Có thể điểm qua vài vụ việc làm "dậy sóng" dư luận như: biệt thự của phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk xây trái phép trên đất nông nghiệp, biệt thự của giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, một loạt biệt thự của cán bộ chủ chốt ở Lào Cai tọa lạc trên khu đất "vàng"… Đặc biệt, biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh giữa núi rừng.
Câu hỏi lớn đặt ra: "Tiền đâu xây biệt phủ?". Kết luận thanh tra của cơ quan chức năng sẽ giải tỏa thắc mắc của dư luận trong thời gian tới. Tuy nhiên, lời giải thích của người trong cuộc: "Tôi vay ngân hàng 20 tỉ đồng làm nhà" khiến dư luận choáng váng. Bởi muốn cầm trong tay chừng ấy tiền, ông Quý phải sở hữu một khối tài sản khổng lồ để thế chấp và thu nhập của gia đình ông phải tầm 230 triệu đồng mỗi tháng.
Không ai cấm "công bộc của dân" không được sở hữu tài sản khổng lồ. Không ai cấm công chức không được ở nhà đẹp, dùng hàng hiệu nhưng giới hạn giữa một vị "đầy tớ của nhân dân" liêm khiết và một ông "quan tham" lại rất mong manh.
Qua những vụ việc này cho chúng ta thấy những lỗ hổng lớn trong khâu giám sát việc kê khai, minh bạch tài sản cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Vụ việc Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị đề xuất kỷ luật đã minh chứng rõ hơn điều đó. Trong nhiều vi phạm của họ đều có những sai phạm trong kê khai tài sản, thu nhập không đúng với quy định của nhà nước. Rõ ràng, những quy định kê khai tài sản trên tinh thần tự nguyện cùng với sự thiếu chặt chẽ trong cơ chế kiểm tra, giám sát tính trung thực của bảng kê khai cũng như việc xử lý sai phạm chưa dứt điểm, thiếu tính răn đe đã tạo tiền lệ xấu cho nhiều cán bộ thản nhiên "kê" và "khai" qua loa, chiếu lệ.
Ngay trong hội nghị giao ban thanh tra các bộ, ngành vào chiều 5-7, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an, đã ví von: "Nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản có từ… nuôi lợn, nuôi gà". Đồng thời, ông cũng khẳng định sự bất cập trong kê khai tài sản do không có quy định về truy nguyên nguồn gốc tài sản.
Mấu chốt của vấn đề đã được nhìn nhận thẳng thắn. Việc cần làm chính là bít những lỗ hổng trong chủ trương kê khai, minh bạch tài sản cán bộ, công chức bằng những quy định và chế tài chặt chẽ, nghiêm minh. Có như thế thì công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta mới thành công, niềm tin trong nhân dân về một hệ thống chính quyền trong sáng, vững mạnh mới được củng cố.
Bình luận (0)