Chiều 14-6, Quận ủy quận 1, TP HCM đã sơ kết công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm 2017.
Thiếu người do lương thấp
Theo báo cáo của ông Trần Thế Thuận, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 1, đến nay đã có 116/134 tuyến đường thông thoáng, trật tự, đạt tỉ lệ 86%. Các cơ quan chức năng quận và UBND 10 phường đã lập biên bản 7.005 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 3,2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, quận đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm lòng lề đường. Tuy nhiên, ông Thuận cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, như: tại một số phường, tổ công tác còn lúng túng, chưa đồng bộ; quá trình xử lý tại hiện trường đôi lúc chưa thấu tình đạt lý. Đáng nói là hiện nay, nhiều cộng tác viên trật tự đô thị 10 phường đã nghỉ việc do áp lực công việc, cường độ lao động cao nhưng mức lương quá thấp dẫn đến hiệu quả công tác lập lại trật tự lòng lề đường có phần hạn chế. "Năm 2016 có 62 trường hợp nghỉ việc, từ đầu năm 2017 đến nay có 29 trường hợp. Quân số thực tế hiện chỉ 246 người/358 định biên được giao, thiếu 112 người"- ông Thuận nêu.
Lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP HCM chiều 14-6 Ảnh: Hoàng Triều
Một tồn tại đáng lo khác là tình trạng tái lấn chiếm vẫn xảy ra trên một số tuyến đường, khu vực như Hoàng Sa, Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Tôn Đức Thắng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bệnh viện Từ Dũ… do công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị của một số đơn vị chưa được tiến hành thường xuyên.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó trưởng Công an quận 1, cho biết việc xử lý các trường hợp ô tô dừng, đỗ sai quy định còn gặp khó khăn khi thiếu xe cẩu, nơi tạm giữ. Ngoài ra, một số điểm giữ xe sử dụng quá diện tích cho phép khi không có các lực lượng kiểm tra.
Lãnh đạo trực tiếp ra quân
Theo ông Thuận, để duy trì công tác lập lại trật tự đô thị, sắp tới, quận sẽ thành lập 2 tổ công vụ, mỗi tổ gồm 2 lãnh đạo UBND quận. Ngoài ra, quận sẽ duy trì một đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận tổ chức kiểm tra đột xuất, đặc biệt tại các tuyến đường hiện còn nhiều khó khăn mà sức của phường chưa thể giải quyết hoặc những tuyến đường được phản ánh. Ông Thuận cam kết sẽ bảo đảm thông thoáng 10 tuyến đường cấp quận và 21 tuyến đường cấp phường.
Song song với giải pháp kiểm tra, xử lý, ông Thuận cũng nhấn mạnh đến việc bố trí, sắp xếp và tổ chức lại lao động cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang mưu sinh trên vỉa hè. Hiện quận 1 đang bố trí khu kinh doanh ẩm thực có thời gian trên tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp. Một số tuyến đường khác như Nguyễn Thái Học, Hoàng Sa, Đinh Tiên Hoàng… đang được các phường xây dựng phương án. Ngoài ra, quận 1 còn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vận động chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá cao quận 1 trong công tác chấn chỉnh trật tự lòng đường, vỉa hè. "Quận 1 là đơn vị khởi đầu chiến dịch xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè và đã tạo được hiệu ứng tích cực cũng như sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên, công tác này đôi khi thực hiện nóng vội, tính thuyết phục chưa cao" - ông Phong lưu ý. Ông Phong cũng ghi nhận sự nỗ lực của UBND quận 1 trong việc hỗ trợ, giúp người dân chuyển đổi việc làm, qua đó dẹp được tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường; đồng thời nhấn mạnh TP không có chủ trương đẩy đuổi người bán hàng rong nên quận 1 phải tìm giải pháp để chia sẻ khó khăn với họ, khẩn trương thực hiện việc bố trí, sắp xếp và tổ chức cho người dân buôn bán tập trung theo giờ tại một số tuyến đường. "Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Việc tổ chức lập lại trật tự lòng lề đường cần có lộ trình cũng như cần có sự phối hợp của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Thành ủy TP" - ông Phong nhấn mạnh.
Nhiều căn nhà chỉ có vài m2
Bí thư Quận ủy quận 1 Huỳnh Thanh Hải cho rằng nhiều nơi, nhiều lúc, vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng sau khi tái lập lại trật tự; chưa kể 2.580 tuyến hẻm chưa được đề cập, còn bỏ ngỏ. "Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiều nhiệm kỳ đã đề ra việc phải giải tỏa các chợ tạm, những khu nhà lụp xụp, trong đó không ít căn chỉ vài m2, đường vào vài tấc. Những vấn đề ấy chưa giải quyết được, thậm chí còn gia tăng do nhu cầu cuộc sống, mưu sinh của người dân" - ông Hải nhìn nhận. Do đó, theo ông Hải, cần có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đồng bộ mới có thể giải quyết vấn đề căn cơ, bền vững, lâu dài và phát triển. Ông Hải đưa ra mục tiêu đến cuối năm 2017, 134 tuyến đường trên địa bàn được thông thoáng; không còn điểm giữ xe trái phép, không phép; không còn tình trạng xe dù, bến cóc.
Bán 3 giờ/ngày, lời 9 triệu đồng/tháng
Đây là thông tin được bà Lưu Lê Bích Phượng, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), đưa ra tại hội nghị. "Một xe bánh mì chỉ bán từ 6-9 giờ có thể lời 9 triệu đồng/tháng nên việc chuyển đổi nghề rất khó. Trong khi đó, nghề không đa dạng, phải học từ 3-6 tháng, thời gian này tiền ở đâu để sống, học xong làm ở đâu, lương bao nhiêu…? Đã có trường hợp phường vận động chuyển nghề nhưng sau đó lại bỏ" - bà Phượng cho hay và đề nghị có chính sách đối với các trường hợp có nhu cầu chuyển đổi nghề.
Bình luận (0)