UBND TP HCM vừa triển khai chương trình: Trong giao tiếp với người dân, CB-CCVC TP HCM phải luôn thực hiện phương châm "4 xin, 4 luôn", gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ (nội dung thực hiện này dựa vào Quyết định số 1847/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Văn hóa công vụ).
Ngoài ra, khi giao tiếp qua điện thoại, CB-CCVC phải xưng tên, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; âm lượng vừa đủ nghe; giữ thái độ lịch sự, không gắt gỏng hay nói trống không; không ngắt điện thoại đột ngột.
Đối với CB-CCVC đang tham dự họp, yêu cầu luôn đặt điện thoại ở chế độ im lặng/rung. Trường hợp cấp bách, cần trao đổi công việc thì nhận cuộc gọi bên ngoài phòng họp hoặc trao đổi qua tin nhắn để không làm ảnh hưởng đến các thành viên dự họp.
Giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức phải luôn thực hiện phương châm "4 xin, 4 luôn".
Nhiều bạn đọc của Báo Người Lao Động đã quan tâm đến chủ trương này. Bạn đọc Phạm Sinh cung cấp thêm thông tin: "Văn hóa công sở "4 xin, 4 luôn" của TP.HCM tôi chưa có dịp tiếp xúc nên chưa được biết. Nhưng tại Lâm Đồng, ở Chi cục thuế huyện Bảo Lâm, tôi đã có dịp đến đây giải quyết việc của gia đình. Tôi thật sự ngỡ ngàng với sự giao tiếp của nhân viên ở đây: giải thích rất cặn kẽ, rõ ràng, dịu dàng, tình cảm, rất dễ mến. Giá như mọi tiếp xúc giữa người dân với cơ quan công quyền đều được như vậy thì người dân sẽ rất vui". Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hùng thì cho rằng: "Làm được "4 xin, 4 luôn" thì quá tuyệt vời; người dân chỉ cần cán bộ làm đúng chức trách, nhiệm vụ và tận tâm là đủ rồi".
Một số bạn đọc cũng thẳng thắn chia sẻ những thông tin từ thực tế. Bạn đọc Khanh "phiền lòng": 'Xin mời đến sao y chứng thực tại UBND quận X., một trong những quận trung tâm, nhân viên nam làm công việc này mặt lạnh như tiền, nói năng cộc lốc". Bạn đọc Lý Thành "thắc mắc": "Tôi gọi tổng đài 113 báo về việc trước nhà ở quận 10 bị quán cà phê vỉa hè lấn chiếm không còn lối đi bộ. Trực ban trả lời đó là việc của công an phường rồi cúp máy. Trước đó tôi đã lên công an phường báo rồi nhưng không ai xuống xử lý. Vậy tôi phải báo ai giải quyết?". Bạn đọc Phạm Mộc thì than thở: "Cán bộ, công chức không ngắt ngang điện thoại nhưng họ để chuông điện thoại đường dây nóng reo liên tục mà không bắt máy. Tôi đã nếm trải điều này mấy lần".
Không ít bạn đọc Báo Người Lao Động rất phấn khởi với chủ trương này và gợi ý: Cần phải quản lý được hành vi của người đại diện tiếp dân; Cần phải lập đoàn kiểm tra, kiểm soát để tăng cường giám sát hoạt động của cán bộ, công chức nếu có người vi phạm phải xử lý nghiêm. Không nên xử lý kiểu kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.
"Chủ yếu là phải làm việc từ tấm lòng, hết lòng phục vụ "khách hàng" giống như những người kinh doanh mua bán, chỉ cần vậy là đủ"- một bạn đọc đúc kết.
Bình luận (0)