Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt khắp nơi trên thế giới lại rạo rực, hân hoan chuẩn bị cho năm mới. Dù đi bất kể nơi đâu, các thế hệ con rồng cháu tiên vẫn luôn gìn giữ những giá trị truyền thống của quê hương đất nước. Lao động Việt Nam ở Nhật Bản, trong đó có tôi, cũng vậy.
Đón Tết theo cách riêng
Năm 2021 dường như sẽ là một năm đón Tết rất khác lạ trong trạng thái bình thường mới trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ đối với người Việt trong nước mà còn đối với người Việt khắp năm châu.
Anh Nguyễn Minh Thương, 23 tuổi, quê ở Sóc Trăng tận dụng thời gian rảnh du xuân đón năm mới
Tại Nhật Bản, mặc dù chính phủ đang kiểm soát tốt tình hình nhưng số ca mắc Covid-19 vẫn chưa có xu hướng dừng lại. Do đó, không khí chuẩn bị Tết cổ truyền năm nay của lao động Việt bớt đi sự sôi nổi, không còn cảnh bù khú, đi du lịch tự do như trước. Thay vào đó, chúng tôi đón Tết bằng những hình thức rất riêng, đáp ứng với yêu cầu phòng chống dịch bệnh của chính quyền nước sở tại nhưng vẫn có hương vị ngày Tết, thỏa lòng mong nhớ gia đình, quê hương.
Ở Nhật Bản, thời điểm này là giai đoạn giao mùa từ đông sang xuân với tiết trời lạnh, tuyết rơi trắng xóa. Đối với những lao động Việt Nam mới sang Nhật thì việc ngắm tuyết rơi, chơi trò đắp người tuyết là những trải nhiệm hết sức tuyệt vời, điều mà trước đó họ chỉ thấy qua những bộ phim. Nhưng năm nay, vì dịch Covid-19, hoạt động trải nghiệm này phải dừng lại.
Mọi năm, các bạn lao động người Việt cũng tranh thủ đi du lịch ngắn ngày kết hợp đến các chùa Việt Nam tại Nhật để cầu an cho năm mới. Tết Tân Sửu năm nay, mọi người không chọn đi du lịch nữa, chỉ đến các chùa gần nơi ở nhất, vừa có được không khí du xuân, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Cũng cần phải biết là người Nhật chỉ đón năm mới theo dương lịch chứ không đón Tết theo âm lịch như Việt Nam. Vì thế, vào những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, chúng tôi đều phải đi làm. Anh Nguyễn Minh Thương, 23 tuổi, quê ở Sóc Trăng, tâm sự: "Cảm giác sáng sớm đạp xe trên con đường tuyết trắng xóa, không khí thì rất lạnh khiến chúng nhớ Tết quê hương, thèm cảm giác ngồi canh nồi bánh chưng nóng đỏ lửa ở quê nhà kinh khủng".
Trên đường đến nhà máy giữa tiết trời lạnh giá những ngày cận Tết cổ truyền Việt Nam tại Nhật Bản
Video: Con đường đi làm trong những ngày Tết đến Xuân về của người con xa xứ
Anh Thương chia sẻ thêm: "Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi không có không khí Tết. Chiều 30 Tết, tranh thủ đi làm về sớm, anh em cùng phòng làm mâm cơm cúng giao ở khu ký túc xá. Vì mùng 1 Tết rơi vào thứ sáu nên lại tiếp tục đi làm. Sau đó, ngày thứ bảy và chủ nhật, tức mùng 2 và mùng 3 Tết, chúng tôi sẽ đi chùa và du xuân ở những nơi gần nhà nhất, căn dặn nhau phải đeo khẩu trang cẩn thận, hạn chế đến nơi đông người".
Một người bạn của tôi làm việc tại Công ty Thực phẩm Torizen, tỉnh Fukuoka, nói rằng tỉnh này có dịch bùng phát mạnh nên chính phủ yêu cầu biện pháp gắt gao hơn. "Ban ngày đi làm, ban đêm anh em lao động Việt tự tổ chức Tết ở nội bộ phòng, chứ không thể tụ tập ăn uống tập thể, mời bạn bè từ nơi khác đến như mọi năm được"- người bạn chia sẻ.
Hưởng lợi nhờ visa đặc định "Tokutei Katsudo"
Năm nay, nhiều thực tập sinh sang Nhật theo diện thực tập kỹ năng với hợp đồng 3 năm, có thời điểm hết hạn hợp đồng vào năm 2020 cũng đã phải đón Tết xa xứ lần thứ 4 chứ chưa thể hồi hương được.
Điều đáng mừng là Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều quan tâm đến lao động nước ngoài khi ban hành chính sách visa đặc định "Tokutei Katsudo" (tư cách lưu trú đặc biệt), dành cho thực tập sinh nước ngoài mất việc làm do dịch bệnh Covid-19. Theo chính sách này, nhiều xí nghiệp ở Nhật tạo điều kiện gia hạn hợp đồng thêm 1 năm, chuyển đổi tư cách lưu trú đặc biệt để thực tập sinh nước ngoài có thể tiếp tục làm việc, hưởng lương và chờ thời điểm thích hợp để hồi hương, đoàn tụ với gia đình.
Lao động người Việt tổ chức mâm cơm đêm 27 tháng Chạp trong phạm vi nội bộ khu ký túc xá, bảo đảm các quy định về phòng chống dịch Covid-19
Thực tế cho thấy tình hình dịch Covid-19 tại Nhật Bản đang diễn biến hết sức phức tạp, gây rất nhiều khó khăn cho cả lao động Việt Nam và các doanh nghiệp phái cử thực tập sinh. Nhưng trong khó khăn, lao động Việt Nam được chính phủ Nhật Bản và cơ quan chức Việt Nam, doanh nghiệp phái cử hỗ trợ rất tốt. Với tinh thần tôn trọng văn hoá Việt, các công ty Nhật còn tạo điều kiện cho các bạn được tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền nhưng kèm theo những quy định chặt chẽ để hạn chế phát sinh lây nhiễm.
Mâm cỗ đầy đủ bánh chưng, bánh tét của nhóm người Việt tại tỉnh Fukuoka
Cũng như ở Việt Nam, cộng đồng người Việt, du học sinh, lao động đang đón một cái tết cổ truyền ở một trạng thái bình thường mới. Một trạng thái mà ở đó, mọi thói quen, nếp sống sinh hoạt cũng phải thay đổi. Và dù ở xa xứ, nhớ cái Tết quê nhà da diết nhưng mọi người vẫn lạc quan, quyết chí làm việc để ngày về nước tương lai tươi sáng hơn.
Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây
.
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)