Bà ngoại thương mẹ tôi lắm! Từ lúc mẹ sinh ra, lớn lên rồi lấy bố tôi đến giờ là từng ấy năm bà gói bánh chưng cho mẹ. Mẹ buôn bán bận rộn nhưng ngày Tết bớt nặng gánh lo cũng nhờ bà. Hơn bốn mươi năm trời!
Hằng năm, cứ đều đặn 25 Tết là bà gói bánh. Công gói thì chẳng đáng là bao, bà bảo vậy. Nhưng thứ "đắt" nhất là thời gian, bà lựa từng bao gạo nếp Tan Tú Lệ ngon nhất (có năm là gạo nếp nương), từng vốc đỗ xanh thơm nhất trong cái kho rộng hơn bốn chục thước vuông rồi nuôi chú lợn lớn từ từ bằng cám ngô, thân chuối... để kịp thịt trước ngày gói bánh. Mẹ tôi tranh thủ dặn người quen giữ giùm mấy ống giang tươi, không bị sâu và những cuộn lá dong bánh tẻ tươi, xanh đậm rồi gửi sang cho bà. Thêm đứa cháu đi học xa, năm nào cũng hăm hở về sớm để kịp rửa lá dong cho bà gói bánh. Vậy là đủ đồ!
Rửa lá dong cho bà là công việc tôi thích nhất
Ngồi làm bánh cùng bà là quãng thời gian tuyệt vời. Vừa đong gạo vào mấy lớp lá, bà vừa kể chuyện: "Ngày xưa nào là mẹ mày hồi bé bụ bẫm, ông mày chăm làm, các bác ngoan ngoãn…". Cũng có khi bà giải thích những điều lý thú xoay quanh các nguyên liệu: "Gọi là nếp nương không hẳn vì loại lúa này được trồng trên nương mà nó đẹp và thơm như nàng Nương; gạo Tú Lệ thơm dẻo vì lúa được tưới mát bởi suối đầu nguồn Mường Lùng, gieo trồng trên nền đất quý…". Mấy đứa cháu quây quần, dù bao nhiêu tuổi vẫn thích nghe bà kể những câu chuyện hay hơn cổ tích.
Những nguyên liệu quê nhà
Bà gói bánh mà nhịp nhàng như gói quà. Món quà với "giấy bọc" là lá dong xanh mướt, bao trọn những thức tươi đẹp, ngon lành: gạo, thịt, đỗ xanh... và thắt bằng dây nơ dẻo dai, tự nhiên là lạt giang. Cứ một lớp gạo, một lớp đậu và thịt ba chỉ tươi, ướp thêm muối và tiêu vừa vặn. Từng "hộp quà" vuông, trụ dài tên là bánh chưng hiện ra, xếp ngay ngắn, mang màu xanh đầm ấm, chờ một sự chuyển giao thần kì. Chúng tôi cũng xắn tay áo vào gói cùng bà, không khéo tay nên "quà" trông kém đẹp. Nhưng bà vui lắm, bà chỉ cần con cháu quây quần, vậy là hạnh phúc!
Bánh chưng bà gói rất đẹp và đều
Bà luộc bánh trong cái nồi thùng. Bánh chưng, cháu láu cá đọc là "Chờ - ưng". Cũng phải, bà coi từng giây phút chờ bánh chín là hạnh phúc. Bà kỹ tính lắm, đun bánh mười hai tiếng là từng ấy thời gian bà trông bánh không nghỉ, mặc cho lũ cháu vơi dần tiếng cười đùa rồi gật gù ngủ vùi trên vai áo nhau trong tiếng lửa reo tí tách. "Một năm chả có mấy dịp thế này đâu!", bà bảo vậy, nên bà thấy vui và tỉnh táo tận hưởng cái khó nhọc con con ấy như một niềm vinh hạnh. Bà chờ bánh và ưng lòng!
Người Hà Nội có cụm từ "hợp thời trân" để tả những món ăn theo mùa, phải mùa nào thức nấy thì mới ngon lành. Giờ xin mạn phép mượn nó để nói về bánh chưng của bà ngoại. Đầu tiên là ở nguyên liệu: gạo nếp quê nhà thơm thoang thoảng, đậu xanh vừa cất, lợn béo vừa tầm. Cái "hợp thời trân" còn thể hiện ở không khí: một năm bà chỉ gói bánh vào dịp Tết. Đủ để cả nhà thấy thòm thèm, trông ngóng. Đủ để khi nửa ngày trời trông bánh trôi qua, đại gia đình cứ hít hà mải mê cái mùi bánh vừa chín thơm lừng. Cái thứ "thời trân" nội gia này sao mà dễ thương, mà gắn kết, mà đầm ấm đến thế!
Rồi giây phút "mở quà" đã tới. Lạt giang mềm dẻo cắt bánh chưng thật ngọt. Miếng bánh xanh rờn, lấp ló nhân đỗ và thịt. Cái thứ bánh "quốc dân", làm từ những nguyên liệu quê nhà nên thơm mộc mạc, lại kết dính, dẻo rền. Cắn một miếng bánh, tưởng như mỹ vị trần gian cũng chỉ đến thế là cùng!
Chớ vội tưởng rằng bà tôi chỉ giỏi gói bánh. Bà tên Bát, phải chăng là "cái tên nói lên số phận" khi tài năng bếp núc của bà thật không ai bì kịp? Tết đến, bà trổ tài chiêu đãi cả nhà đủ món: từ giò nạc, giò xào, thịt đông, chả nướng, bánh tẻ, thịt trâu gác bếp... Có khi bà rủ các chị em hàng xóm làm cùng, để nhận lại câu bông đùa rằng ""Bát" này đựng nhiều món quá, liệu Tết có ăn hết không?" Bà chỉ nhẹ nhàng trả lời rằng Tết là ngày sum vầy, làm nhiều đồ ăn một chút để thết đãi con cháu từ xa về, nhà nhiều "Bát" lắm nên không cần lo lắng. Mấy người hàng xóm cười nụ, có lẽ do bà tôi khéo đáp quá!
Kỳ thực, tôi cũng không cần bà nấu nướng quá nhiều. Đôi tay của người phụ nữ tuổi thất thập nên được nghỉ ngơi. Tết đến, tôi chỉ cần bánh chưng và hũ dưa hành là đủ. Nhưng cái "chất" đảm đang đã ăn vào máu, tôi chẳng tài nào ngăn bà được.
Mẹ tôi cũng mê nhất món bánh chưng bà gói. Bà biết ý nên năm nào cũng gói nhiều để ra Giêng mẹ ăn dần. Mùa xuân Bắc Việt rét ngọt, nhấm nháp miếng bánh chưng dẻo thơm thì chẳng có gì làm mẹ ngẩn ngơ hơn? Tình mẹ con vuông tròn, đằm thắm hay không, có khi chỉ cần nhìn cái cách họ đối ẩm với nhau là đủ. Với ông bà, mẹ tôi mãi là đứa con bé nhỏ cần che chở, mẹ thích bánh chưng thì bà chiều.
Và tôi cũng chẳng còn là đứa con nhỏ bé mãi ở cạnh ông bà, bố mẹ. Ai đó từng nói con cháu lớn lên là "khách đường xa". Nhưng đi xa mãi, xa hoài cũng phải biết đường về nhà chứ! Nếu vậy, tôi nguyện là vị khách mến "chủ", cứ 25 Tết hàng năm về quê rửa lá cho bà. Mặc cho gió đại ngàn rét buốt, nước giếng khơi lạnh cóng tay nhưng lòng cháu rộn ràng như đón chờ một ngày hội lớn.
Chiếc bánh chưng của bà ngoại là một "báu vật" thường niên trong tiềm thức của gia đình tôi. Thoảng nghĩ đến ngày không còn được ăn bánh bà gói nữa, tôi lẳng lặng ngâm một câu thơ:
"Còn bà, còn Tết, còn tình
Bà đi, bếp lặng, buồn mình ai mang?
Đời mình, sang mấy "mười năm";
Ôm con, bồng cháu, vẫn mong bánh bà!
Nghĩ thế, chứ không dám nói thế. Tôi chỉ biết bà tôi còn khỏe. Mong rằng, đến khi mẹ tôi "bồng cháu", tôi "ôm con" thì lũ trẻ nhà "mình" vẫn được thưởng thức bánh chưng của bà!
Bình luận (0)