Cách đây không lâu, một đoạn clip loan truyền hình ảnh một cô gái hồn nhiên ngồi chấm mút chiếc bánh kem còn mới nguyên của bàn bên cạnh, dù chủ nhân của chiếc bánh kem này không hề quen biết cô gái. Khi đoạn clip lan truyền, cô gái bị cộng đồng mạng "ném đá" hành động vô duyên dù với cô ấy, việc này có thể trông dễ thương, hài hước.
Đánh vào tâm lý sĩ diện, tự trọng
Theo các nhà xã hội học và chuyên gia tâm lý, thói ứng xử tùy tiện có thể gặp ở bất kỳ môi trường, lĩnh vực nào. Có người xem đó là phong cách cá nhân nhưng với người khác, đó là hành vi vô cùng xấu xí. Một nhà giáo kể từng chứng kiến 2 cô gái bước vào quán đang đông khách, để giành bàn, các cô chơi trò... nói bậy. Khách dù chưa ăn xong nhưng nghe chướng tai quá đành phải gọi thanh toán và bỏ đi. "Đó không chỉ là sự tùy tiện mà còn là thái độ thiếu lịch sự, thiếu văn hóa" - nhà giáo này nhận xét.
Chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật phân tích: Người có thói quen tùy tiện, thích gì làm đó có thể xuất phát từ tâm lý ích kỷ, chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân mà quên đi việc có thể làm ảnh hưởng đến người khác. Đáng trách là khi bị nhắc nhở, một số cá nhân vẫn bao biện, tỏ thái độ bất hợp tác, dù biết sai. Ngoài ra, thói quen tùy tiện ở nơi công cộng có liên quan đến cơ chế lây lan và "học tập" lẫn nhau. Một người làm thấy không sao sẽ kéo theo nhiều người cùng thực hiện.
"Để xây dựng cách ứng xử văn minh, triệt tiêu thói tùy tiện, ngoài việc phải có quy định, chế tài xử phạt rõ ràng, nghiêm minh còn có thể đánh vào tâm lý sĩ diện, tự trọng của con người bằng những câu nhắc nhở như: "Người lịch sự, không hút thuốc ở đây" hay "Người văn minh, không khạc nhổ nơi công cộng"...
Đối với học sinh, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn mỹ quan, môi trường; tăng cường những buổi chuyên đề, ngoại khóa về văn hóa ứng xử... Nếu nhìn thấy những hành vi chưa đẹp từ các em, dù là nhỏ, cũng phải kịp thời chấn chỉnh để các em nhận ra, từ đó dần hoàn thiện bản thân" - ông Bùi Quang Minh Nhật chia sẻ.
Dừng xe giữa đường mua thực phẩm, dù rằng có thể gây ra kẹt xeẢnh: Anh Vũ
Ứng xử văn minh trên mạng xã hội
Thời đại mạng xã hội phát triển, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP HCM), lưu ý môi trường mạng xã hội cũng cần thể hiện hành vi văn minh, không được tùy tiện phát ngôn bởi rất dễ gây tổn thương cho người khác.
Nếu sử dụng mạng xã hội không có chọn lọc, không được định hướng sẽ tác động và ảnh hưởng xấu đến xã hội; là mối nguy hại không chỉ cho bản thân người dùng mà còn tác động xấu đến đối tượng xem - tiếp nhận thông tin. Vì vậy, trong môi trường giáo dục, cần tạo cho các em "sức đề kháng", trước hết là tự bồi đắp văn hóa cho mình, sau đó biết lên án hoặc tránh xa các hành vi tùy tiện, thiếu văn minh.
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh gợi ý để kiểm soát và hỗ trợ người sử dụng internet tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại, cơ quan chức năng cần có những dự báo và dự đoán được tình hình trên không gian mạng; các phương tiện truyền thông cần tuyên truyền định hướng cho người sử dụng internet, mạng xã hội những nội dung, cách thức, một số mối nguy hại…
Với thanh thiếu niên, công tác tuyên truyền định hướng vô cùng quan trọng, nhà trường cần tăng cường giáo dục học sinh ý thức và trách nhiệm trong sử dụng công nghệ để phát huy cao nhất giá trị lợi ích mà công nghệ đem lại, tránh những điều chưa phù hợp.
Tương tự, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng hiện nay nhiều người sử dụng mạng xã hội để miệt thị, chửi bới hoặc đưa những vấn đề tiêu cực; dùng mạng xã hội để gây tổn thương cho người khác... "Hơn ai hết, giáo viên cần làm gương cho học sinh, đưa thông tin lên mạng xã hội phải mang màu sắc giáo dục, hướng người đọc đến chân - thiện - mỹ, hành động và nhận thức tốt. Qua đó dạy học sinh biết cách nhận diện thông tin và sử dụng mạng xã hội một cách có văn hóa, văn minh" - thầy Huỳnh Thanh Phú nói.
Bắt đầu từ giáo dục và pháp luật
Bình luận về những ứng xử tùy tiện, thiếu văn hóa, nhiều bạn đọc cho rằng thói tùy tiện có ở đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, thậm chí nhiều người trông rất sang trọng, lịch sự vẫn ngang nhiên ném rác ra đường, vượt đèn đỏ, tấp xe bên lề đường mua thức ăn bất chấp xe đông, phía sau ùn ứ...
"Luật đã có, như việc xử phạt với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, chó thả rông, xả rác bừa bãi... nhưng dường như chưa thấy ai bị xử phạt nên không dẹp bỏ được "thói hư, tật xấu" - bạn đọc Hoàng Tuân nêu ý kiến.
Bạn đọc Nguyễn Phương phê bình các phương tiện truyền thông chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền. "Sao không thay các chương trình game show vô bổ, phim truyền hình dài tập chiếu đi chiếu lại bằng các chương trình tuyên truyền lối sống văn minh, cách ứng xử văn hóa...?" - bạn đọc Nguyễn Phương đặt câu hỏi.
Hầu hết bạn đọc cho rằng phải bắt đầu từ giáo dục, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành đều cần đến giáo dục. "Vì sao người Nhật được biết đến là quốc gia có tính nghiêm túc, kỷ luật cao? Singapore vào tốp quốc gia xanh sạch nhất thế giới? Đó là nhờ giáo dục và pháp luật nghiêm minh" - bạn đọc Nguyễn Đức Hoàng kết luận.
H.Hiếu ghi
Bình luận (0)