Vì tuổi nhỏ và nhỏ người nên hồi đó bà Bảy được giao làm nhiệm vụ giao liên tại xã Long Hưng, là địa bàn trọng yếu của tỉnh ủy, huyện ủy và cũng là nơi địch ruồng bố rất dữ dội. Năm 1965, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong thời chiến tranh loạn lạc, bà và các đồng đội từng hứa với nhau nếu đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ lo việc xây mồ, làm mả cho người ngã xuống.
Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bà Bảy bị thương vùng đầu. Không thể trực tiếp chiến đấu, bà được tổ chức phân công ở tuyến sau để mua thuốc men tiếp tế cho quân y, rồi được bồi dưỡng chuyên môn hộ sinh, làm y tá cho đến sau ngày giải phóng.
Đến năm 1979, do sức khỏe yếu, bà được cho nghỉ mất sức. Lời hứa với đồng đội đã hy sinh vẫn chưa thể thực hiện được. Trong lúc đó, gia cảnh túng thiếu, bà phải nuôi 2 cháu nội mồ côi và một đứa con của em gái. Khó khăn vậy nhưng bà Bảy vẫn đau đáu lời thề với đồng đội. Vậy nên ngày lại ngày, dù chân đi lại khó khăn nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, bà cần mẫn đi bán vé số để có thêm thu nhập và tiết kiệm dần một khoản tiền hy vọng có cơ hội thực hiện lời hứa với đồng đội.
Từ giữa năm 1997, hằng tháng khi nhận tiền lương, bà trích ra một phần rồi cộng với tiền hoa hồng bán vé số để bỏ vào heo đất. Cuối năm 2010, trong lúc xã Long Hưng A sửa chữa lại nghĩa trang liệt sĩ của xã, bà đập heo đất lấy 70 triệu đồng mang tới UBND xã trình bày nguyện vọng được góp phần nhỏ vào việc trùng tu nghĩa trang thêm khang trang, sạch đẹp.
Bà Đặng Thị Bảy vẫn đều đặn hằng đêm đến nghĩa trang thắp hương cho đồng đội
Khi biết việc làm của bà Bảy, các vị lãnh đạo xã Long Hưng A rất xúc động và thuyết phục bà nên để số tiền đó để dưỡng già bởi bà thương tật, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Nhưng bà Bảy một mực giữ lập trường và nói rõ đây là số tiền bà tiết kiệm hơn 12 năm qua chứ không phải bán đất hay vay mượn của ai. Nghe quyết tâm của bà, lãnh đạo xã đồng ý nhận và sử dụng số tiền trên vào việc ốp gạch men cho toàn bộ 144 ngôi mộ của nghĩa trang liệt sĩ xã.
"Trong 144 ngôi mộ đó, hơn phân nửa là đồng đội từng sống chết với tôi. Họ đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Vì vậy, có chút đỉnh tiền, tôi đóng góp cho đồng đội, xem đây là tâm nguyện cuối đời nên phải thực hiện bằng được" - bà Bảy tâm sự.
Đến năm 2011, khi nghĩa trang hoàn thành, bà Bảy dùng tiếp 2 triệu đồng tiết kiệm được để mua đồ cúng và mừng việc hoàn thành sửa chữa nghĩa trang. Nghĩa cử của bà đã làm cho những ai có mặt trong buổi khánh thành nghĩa trang hôm đó rưng rưng nước mắt.
Hiện nay, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, 3 mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu nên thường xuyên đau nhức, mất ngủ nhưng bà Bảy rất vui vì đã thực hiện được lời hứa với đồng đội năm xưa. "Bản thân tôi sẽ thường xuyên tới lui chăm lo mộ cho đồng chí, đồng đội và tiếp tục dành dụm tiền để góp phần tu bổ nghĩa trang liệt sĩ nhằm giáo dục thế hệ trẻ hôm nay hiểu về truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của ông cha ngày trước và giúp đỡ những người có công, gia đình liệt sĩ vượt khó vươn lên để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn" - bà Bảy nói thêm.
Ông Phạm Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng A, nhìn nhận: "Bà Đặng Thị Bảy là tấm gương sáng tiêu biểu ở Đồng Tháp. Mỗi đêm, bất kể trời nắng hay mưa, bà đều đặn đến nghĩa trang thắp hương cho đồng đội. Việc làm này kéo dài nhiều năm qua. Tôi nghĩ nên lấy đây làm tấm gương giáo dục thế hệ trẻ để họ tiếp tục phấn đấu và rèn luyện bản thân và tham gia tốt hơn trong công tác xã hội, nhất là công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương. Địa phương sẽ tiếp tục dõi theo từng bước chân của bà Bảy để thường xuyên chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Bình luận (0)