Câu chuyện 13 hiệp hội doanh nghiệp (DN) gửi kiến nghị cho các bộ, ngành liên quan về việc dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH, sửa đổi) có quy định tỉ lệ đóng BHXH còn cao và các quyền lợi của người lao động (NLĐ) nghỉ hưu sớm chưa phù hợp. Theo đó, 13 hiệp hội đề nghị giảm mức đóng vào quỹ BHXH xuống 20%, giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp của cả NLĐ và DN xuống tổng 1%.
Theo nhóm hiệp hội tính toán, mức đóng năm 2007 chỉ là 23%, từ năm 2017 tăng lên thành 32% cho đến thời điểm hiện tại. Tỉ lệ đóng BHXH của người sử dụng lao động ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước khác trong khu vực như Malaysia chỉ đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%...
Từ đầu năm đến nay đã có nhiều DN lâm vào tình cảnh khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh do không có đơn hàng, dẫn đến chậm nộp, nợ đọng BHXH kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi thụ hưởng chế độ chính sách của NLĐ. Theo thống kê của cơ quan BHXH, tính đến thời điểm hiện tại đã có hàng ngàn DN nợ đọng, chậm nộp BHXH kéo dài với số tiền lên đến vài ngàn tỉ đồng.
Do đó, việc xem xét kéo giảm mức đóng BHXH, nhất là giảm tỉ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất, quỹ ốm đau, thai sản... cho DN, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi sức khỏe của rất nhiều DN vẫn đang suy yếu, chưa thể hồi phục, cần phải được xem xét. Có thể không cần chờ đến việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết, quy định và cho phép việc kéo giảm mức đóng BHXH cũng là một cách để "khoan sức DN", thể hiện sự quan tâm, sẻ chia, thấu hiểu để giúp DN vượt qua khó khăn với các khoản thuế phí khi quỹ BHXH bình ổn, có kết dư.
Cũng cần nói thêm việc sửa luật hoặc giảm mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất cho DN có thể sẽ dẫn đến nguồn thu của quỹ BHXH giảm. Thế nhưng, điều quan trọng nhất như hiện nay là DN sẽ giảm bớt được khó khăn, gánh nặng về các khoản chi phí phải nộp theo nghĩa vụ, đặc biệt là quyền thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH của NLĐ trong DN sẽ bảo đảm và kịp thời hơn.
Bình luận (0)