xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

LUẬT BHXH (SỬA ĐỔI): Cần thấu hiểu hoàn cảnh của người lao động

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nên bỏ hoặc giảm tỉ lệ khấu trừ khi nghỉ hưu trước tuổi để người bị suy giảm khả năng lao động có lương hưu đủ sống và khuyến khích người lao động ở lại hệ thống an sinh lâu dài

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có quy định khi bị suy giảm khả năng lao động và đáp ứng một số điều kiện về thời gian đóng BHXH, người lao động (NLĐ) có thể được hưởng chế độ hưu trí sớm. Tuy nhiên, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định, NLĐ sẽ bị giảm tỉ lệ lương hưu là 2%. Đây là quy định được kế thừa từ Luật BHXH năm 2014, song trong lần sửa đổi Luật BHXH này, có nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét, sửa đổi.

Bất hợp lý

Lý giải về quy định này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho hay người nghỉ hưu sớm hơn tuổi quy định thì không tiếp tục đóng góp trong khi quỹ hưu trí phải chi trả sớm nên không thể yêu cầu được hưởng như người nghỉ hưu đúng tuổi. "Việc bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi là phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng, thông lệ quốc tế và bảo đảm công bằng với những người nghỉ đúng tuổi" - ông Cường nói.

Tại văn bản góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới đây, 13 hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Sữa, Hiệp hội Da giày - Túi xách, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội các Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chè, Hiệp hội Nhựa, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM, không đồng tình với quy định này và đề nghị sửa đổi. 

Theo các hiệp hội, quy định này không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, khi có nhiều NLĐ đi làm và đóng BHXH sớm. Ở độ tuổi 50- 55, sức khỏe họ giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng công việc, khó tìm việc làm sau đó và cũng có thời gian đóng BHXH từ 20-30 năm. Như vậy, cả về thời gian và số tiền đóng cho BHXH là đã đủ lớn, nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm chi tiêu cuộc sống. 

Mặt khác, việc trừ 2% mỗi năm nghỉ sớm kể cả khi NLĐ có thời gian đóng để đủ điều kiện hưởng mức tối đa (nam đóng trên 35 năm, nữ đóng trên 30 năm) là bất hợp lý, nhất là khi so với khoản trợ cấp hưu trí một lần là 0,5 tháng lương bình quân đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH vượt trần thời gian hưởng lương hưu tối đa.

LUẬT BHXH (SỬA ĐỔI): Cần thấu hiểu hoàn cảnh của người lao động - Ảnh 2.

Nhiều hiệp hội ngành nghề kiến nghị nên bỏ hoặc giảm tỉ lệ khấu trừ khi nghỉ hưu trước tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động Ảnh: NGA HOÀNG

Vì thế, các hiệp hội đề xuất trong trường hợp NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu sớm, có thời gian đóng BHXH trên 20 năm, được quyền về hưu và mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi 1 tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% như Luật BHXH năm 2006. Còn NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu) và đóng đủ 30 năm BHXH với nữ và 32 năm với nam thì được nghỉ hưu và hưởng mức tối đa 75%. Ngoài ra, đối với trường hợp có thời gian đóng vượt mức hưởng tối đa thì được quy đổi thời gian đóng với số tuổi còn thiếu để hưởng hưu.

Cực chẳng đã mới nghỉ hưu sớm

Đồng tình với đề xuất của các hiệp hội, ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho rằng quy định để NLĐ nghỉ hưu trước tuổi (từ 5-10 năm) là chính sách nhân văn nhằm giúp các trường hợp bị suy giảm sức khỏe, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sớm ổn định cuộc sống nhờ chế độ hưu trí. Tuy nhiên, đi kèm với việc được hưởng chế độ hưu là lương hưu bị giảm 2%/mỗi năm nghỉ hưu sớm, điều này không hợp lý và không đúng với tinh thần của chính sách.

Theo ông Đại, phải hiểu rằng bản thân NLĐ không muốn nghỉ hưu sớm vì nếu so sánh giữa lương hưu và thu nhập thực tế của NLĐ trước khi hưởng hưu thì có khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, vì điều kiện sức khỏe hoặc điều kiện làm việc không cho phép buộc họ phải hướng đến việc nghỉ hưu sớm và khi đó lương hưu có thể là nguồn thu duy nhất của họ. 

"Việc giảm trừ tỉ lệ 2% với mỗi năm nghỉ hưu sớm là quá cao, đó là chưa nói đến trường hợp NLĐ có quá trình tham gia BHXH ngắn, chưa đạt tỉ lệ lương hưu tối đa, nếu bị trừ thêm 10%-20% cho 5-10 năm nghỉ hưu sớm thì họ còn lại gì? Do đó, tôi kiến nghị nên bỏ quy định trừ 2% khi nghỉ hưu sớm để NLĐ được nhận trọn vẹn tỉ lệ lương hưu tương ứng với số năm họ đã tham gia BHXH, đúng theo nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH" - ông Đại đề xuất.

Ông Nguyễn Đình Cường - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM - cũng cho rằng quy định trừ 2% cho mỗi năm NLĐ nghỉ hưu trước tuổi là không hợp lý và gây thiệt thòi cho NLĐ khi tỉ lệ hưởng thấp hơn tỉ lệ thực đóng. Theo ông Cường, trên thực tế người đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi ở các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không nhiều so với mặt bằng chung nên cơ quan soạn thảo luật cần xem xét để NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu sớm theo quy định và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm được quyền về hưu, đồng thời mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi không quá 1%.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, bình quân mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là 5,73 triệu đồng/tháng. Nhiều ý kiến cho rằng nếu xem đây là mức lương bình quân đóng BHXH cả quá trình của NLĐ thì tiền lương hưu tối đa (75%) mà họ nhận được sẽ khoảng 4,3 triệu đồng/tháng, chưa bằng lương tối thiểu vùng hiện nay. Trên thực tế, mức lương hưu NLĐ (khối DN ngoài nhà nước) sẽ thấp hơn vì phải cộng toàn bộ quá trình đóng. Như vậy, trường hợp NLĐ hưởng lương hưu trước tuổi, bị trừ 2% sẽ có lương hưu thấp hơn nữa.

Xem xét giảm hoặc bỏ việc trừ tỉ lệ %

Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, một trong những giải pháp hạn chế NLĐ rút BHXH một lần là tăng tính hấp dẫn của chế độ hưu trí. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này, ngoài tăng tuổi nghỉ hưu, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm thì dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chưa có sự cải thiện đáng kể về quyền lợi hưu trí cho NLĐ. Do vậy, việc xem xét giảm hoặc bỏ việc trừ tỉ lệ khi NLĐ nghỉ hưu sớm; xem xét cho NLĐ quy đổi số năm đóng dư để hưởng hưu sớm cũng là giải pháp để giữ NLĐ ở lại hệ thống an sinh lâu dài.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo