Hiện nay, TP HCM đã được Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế, chính sách riêng để trả lương cho cán bộ, công chức cao hơn những tỉnh, thành khác. Một số địa phương cũng ban hành các ưu đãi nhưng không đều, chỉ thực hiện theo từng giai đoạn, không liên tục, gây nghi ngờ cho những người tham gia đề án thu hút nhân tài.
Theo chúng tôi, để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thu hút, giữ chân nhân tài cần thực hiện tốt những vấn đề sau:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp một cách minh bạch, công bằng để tìm ra những người thực sự có tài, có đức. Tiếp đó, giải quyết nghỉ hưu trước tuổi cho những người đã lớn tuổi nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới. Như vậy, nhằm tạo chỗ trống để tuyển dụng những người đang hợp đồng vào biên chế và giúp họ có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Thứ hai, các ưu đãi "cứng" như lương, phụ cấp... khó thực hiện, đáp ứng trong giai đoạn hiện nay, vì vậy có thể thực hiện ưu đãi "mềm" để giữ chân, thu hút nhân tài. Theo đó, bố trí nhà ở hoặc cho vay vốn ưu đãi để mua nhà, hỗ trợ BHYT cho bố mẹ, con cái nhân tài... Như vậy, vừa giúp họ yên tâm công tác vừa tạo điều kiện để họ toàn tâm toàn ý cống hiến cho địa phương nơi mình gắn bó.
Thứ ba, cơ quan chức năng phải cam kết thực hiện cơ chế chính sách lâu dài, liên tục trong thu hút, giữ chân nhân tài. Tuyệt đối không thực hiện theo "tư duy nhiệm kỳ", thường xuyên thay đổi chính sách, chế độ. Điều này không những gây khó khăn cho những người tham gia đề án về đào tạo, thu hút nhân tài mà còn ảnh hưởng đến cả sự phát triển của địa phương, đơn vị vì người tài mất niềm tin.
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia", ở các nước tiên tiến, phát triển trên thế giới đều dựa vào người tài để phát triển đất nước hưng thịnh. Vì vậy, không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương khác cũng cần có chính sách thu hút, giữ chân nhân tài nhằm góp phần xây dựng đất nước "sánh vai cùng cường quốc năm châu" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.
Bình luận (0)