Có thể khẳng định việc sử dụng ngân sách để đưa cán bộ, công chức ra nước ngoài đào tạo là có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bên cạnh việc siết chặt việc tuyển chọn nguồn, đối tượng đưa đi đào tạo ở nước ngoài thì quan trọng nhất là phải tăng chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để làm gương, nhất là với các đối tượng là con em các quan chức. Bởi lẽ, họ được coi như "hạt giống đỏ", cán bộ nguồn, cán bộ chủ chốt được kỳ vọng sẽ kế tục sự nghiệp phục vụ nhân dân. Theo đó, đối với những trường hợp ở lại nước ngoài hoặc không làm việc theo sự phân công thì phải có chế tài thật nghiêm khắc. Ngoài việc yêu cầu phải bồi hoàn chi phí hỗ trợ, cần bổ sung thêm các chế tài khác như cấm làm việc trong nước, cấm nhập cảnh (nếu về nước) trong một thời hạn nhất định.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi mức bồi hoàn chi phí quy định tại Nghị định 101/2017/NÐ-CP là không quá 100% chi phí hỗ trợ mà có thể yêu cầu bồi hoàn chi phí hỗ trợ gấp nhiều lần nếu vi phạm cam kết. Theo đó, nên giao cho đơn vị cử đi học và các học viên tự nguyện thỏa thuận, cam kết về mức bồi hoàn. Tuy nhiên, để bảo đảm không tùy tiện, nhà nước chỉ đưa ra mức tối thiểu nhưng ít nhất cũng phải gấp 2 lần số tiền nhà nước đã bỏ ra để cử đi học ở nước ngoài. Có như vậy mới hạn chế tình trạng tự ý ở lại nước ngoài khi được nhà nước cử đi đào tạo bằng tiền ngân sách. Mặt khác, hạn chế tình trạng lợi dụng tiền ngân sách, chính sách của nhà nước đi học rồi không về phục vụ đất nước mà chỉ phải trả lại số tiền đã nhận từ ngân sách, rất vô lý như hiện nay.
Dư luận không thể chấp nhận chuyện "mượn" tiền nhà nước đi học một cách dễ dàng, đơn giản như vậy. Lấy tiền ngân sách đi học, sau đó không về thì chỉ phải hoàn trả lại bằng số tiền đã được hỗ trợ trước đó là quá vô lý. Sẽ rất thiếu công bằng đối với những người phải chạy vạy hoặc phải vay lãi suất cao với số tiền lớn để đi học tự túc ở nước ngoài.
Bình luận (0)