Bình Định nổi tiếng với văn hóa ẩm thực dân dã tinh tế với những gia vị thơm lừng hương đồng, gió biển. Ẩm thực dân dã cũng có thể hiểu là ẩm thực có tính tự nhiên, những sản vật của chính thiên nhiên, chứ không phải nuôi trồng.
Hệ thống đầm phá của Bình Định như đầm Thị Nại, Châu Trúc (Trà Ổ)... cũng là môi trường sản sinh hàng trăm loài thủy sản đặc hữu, tùy môi trường nước.
Gỏi tôm đất
Nếu có dịp về đầm Thị Nại, bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ngon từ các loài thủy sản đặc hữu và tự nhiên như: tôm đất loại dùng để làm bánh xèo Mỹ Cang nức tiếng. Các loại cá như cá dìa thịt dai, thơm ngon; cá liệt ngọt lịm; cá ong (loài cá chỉ ăn con tôm đất); ngay cả cá thông thường nhất như cá rô phi cũng rất ngon vì chúng chỉ ăn rong rêu. Các loại sò, ốc, vọp (còn được gọi là con sò vọp, loại động vật nhuyễn thể, giống con sò, nghêu nhưng có kích thước lớn hơn)...
Đặc biệt, đầm Thị Nại có nhiều loài lịch như lịch huyết, lịch củ, lịch sào, lịch cơm có bụng đầy trứng. Lịch ăn ngon, béo nhất là vào đầu mùa mưa, đặc biệt lịch huyết - một món ăn bổ dưỡng, làm món nhậu tuyệt đỉnh.
Tôm đất cũng là loài thủy sản đặc hữu, sinh sống tự nhiên trong các hồ, đầm phá nước lợ có độ mặn thấp dọc bờ biển Bình Định, tự "rạy"- đẻ trứng tự nhiên, ăn rong rêu, các loài thủy tức.
Kích cỡ nhỏ, con to lắm thì bằng ngón tay, tôm đất ít tanh hơn những loại tôm khác, có giá trị dinh dưỡng rất cao nên thường dùng làm gỏi hoặc một số món ăn giống sushi của người Nhật. Có thể kể đến món bún tôm, chả ram tôm của người Bình Định nhưng món gỏi tôm đất mới là món "danh bất hư truyền".
Tôi là dân Tuy Phước, Bình Định nhưng hè vừa rồi, lần đầu tiên được thưởng thức món gỏi tôm đất và để lại ấn tượng không bao giờ quên.
Cách chế biến gỏi tôm đất Bình Định
GỎI TÔM ĐẤT chế biến rất đơn giản.
Tôm đất lột vỏ, lấy chỉ (ruột tôm), chần sơ nước nóng, tái nhiều chanh. Để lâu chừng 5-10 phút cho tôm "chín" rồi mới sắp lên đĩa, thêm các loại gia vị như tiêu, rau thơm các loại, một ít đậu phộng rắc lên…
Bí quyết ở đây là nước chấm ăn với gỏi tôm đất. Nước chấm, nước xốt với ẩm thực phương Tây cũng như ở nước ta là rất quan trọng, làm tăng "giá trị gia tăng" cho món ăn. Nước chấm cho gỏi tôm đất cũng rất đặc biệt, dùng chính nước cốt chần tái tôm, cho ít dầu phộng, hành tỏi, sả và phải có 1 quả chuối chín nhỏ, cho vào chảo đun sôi, hơi keo lại là dùng được.
Gắp một đũa gỏi tôm đất, 1 ly nhỏ rượu Bàu Đá, ngon "thần sầu", ngọt lực tận tâm can. Gỏi tôm đất cuốn bánh tráng là món ăn bạn nên một lần ăn thử, rồi cứ muốn về Bình Định hoài bởi hương vị của nó theo bạn suốt đời.
Ngày Tết mà nhâm nhi với món này thì tuyệt đỉnh ẩm thực!
Gỏi tôm đất Bình Định
Ngoài món gỏi tôm đất, Bình Định còn nhiều món ăn chế biến từ hải sản đặc hữu rất tinh tế, có thể kể đến như bún tôm, búm rạm, mắm nhum Phù Mỹ.
Bún tôm Châu Trúc
BÚN TÔM CHÂU TRÚC là món rất bình dân nhưng với khách phương xa nó là đặc sản dù rất rẻ tiền.
Bún được làm từ gạo Phù Mỹ. Người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc nóng hổi. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng là chín, vớt ra ráo nước là bắt đầu chế biến.
Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất của hồ Châu Trúc, còn sống, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với gia vị, ít muối…
Khi có người đến ăn bún, người bán lấy thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát, nêm nếm là có một tô bún tôm cực ngon.
BÚN RẠM CHÂU TRÚC cũng tương tự.
Rạm của đầm Châu Trúc ngâm, rửa sạch, xay nhuyễn chắt lấy nước như nấu riêu cua. Nước rạm để riêng, tô bún để riêng. Bún rạm có thêm rau sống và xoài xanh, đậu phộng rang. Chế nước rạm vào tô từng chút, từng chút, ăn đến đâu chế nước đến đó, ngon không thể tả.
Bún rạm
MẮM NHUM là món ngon tuyệt đỉnh khác.
Nhum là loài nhuyễn thể, sống ở những gành đá ven bờ biển nước ấm, lẫn trong rong rêu. Nhum có nhiều loại, để làm mắm phải là nhum ta màu đen. Cắt sơ những chiếc gai nhọn tua tủa xung quanh con nhum rồi khoét một lỗ ngay miệng nhum, là thấy thịt nhum.
Nhum mập, thịt nhum nhìn đầy đặn như những múi sầu riêng. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, giang nắng từ 10-15 ngày.
Mắm nhum chín, nhuyễn tan, sền sệt, màu đỏ đục, thơm phức. Thêm gia vị là có món mắm nhum hết sức quyến rũ, ăn với bún, bánh tráng thịt ba chỉ. Mắm nhum là món hảo hạng, có tiền cũng không thể mua được, ăn một lần thôi, bạn không thể xuýt xoa!
Bình Định có mấy câu ca dao về ẩm thực chỉ ra cụ thể, muốn ăn gì, bạn phải đi đâu:
"Muốn ăn đi xuống
Muốn uống đi lên
Dạo khắp bốn bên
Chợ Thành, chợ Giã
Chợ Dinh bán chả
Chợ Huyện bán nem" ...
Bạn cứ "đi xuống", tức đi dọc bờ biển, nhiều món ngon Bình Định sẽ làm bạn mê mệt.
Tết là thời điểm đầu tháng Giêng âm lịch, ở nhiều hồ, đầm phá, tôm đất rất nhiều; nhum bám đầy những bờ đá rất sạch ven biển; rạm Châu Trúc đang độ lớn, rất ngon và béo.
Thân quý mời các bạn đến Bình Định dùng thử các món ẩm thực dân dã ngon "tuyệt cú mèo", thậm chí "độc lạ", lại nhiều dinh dưỡng mà không sợ tích lũy cholesterol!
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động" tại đây.
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)