xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm gì để chặn livestream “bẩn”?(*) : Phải dọn sạch "rác văn hóa"

Yến Anh thực hiện

Cần phải làm cho những người sử dụng mạng xã hội không thể, không dám và không muốn xúc phạm, bôi nhọ, dựng chuyện về người khác

Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Người Lao Động với PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, dưới góc nhìn văn hóa, xã hội về vấn đề livestream "bẩn".

. Phóng viên: Tình trạng nhiều người, trong đó có cả những người nổi tiếng, livestream mắng chửi, "bóc phốt" nhau đang rất phổ biến trên mạng xã hội (MXH). Những buổi livestream này ban đầu thu hút sự tò mò của người hiếu kỳ, sau đó biến thành những cuộc "ném đá" tập thể khiến nạn nhân rơi vào khủng hoảng. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Làm gì để chặn livestream “bẩn”?(*) : Phải dọn sạch rác văn hóa - Ảnh 1.

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN

- PGS-TS BÙI HOÀI SƠN: Theo tôi, những hiện tượng lệch chuẩn, phản cảm trên MXH như vừa qua đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân văn hóa.

Nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, con người có thêm điều kiện, phương tiện để nghĩ nhiều hơn đến cá nhân, lợi ích riêng, xem nhẹ những giá trị của tập thể, cộng đồng. MXH dễ dàng tạo ra sự nổi tiếng giả tạo chỉ qua những chiêu trò nhằm kích thích sự tò mò, hiếu kỳ của cư dân mạng hay lợi dụng tên tuổi của người nổi tiếng khác để tạo ra tên tuổi cho mình. Hơn nữa, việc tạo ra lượt xem, like, share đông cũng đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế.

Vì thế, thay vì "đóng cửa bảo nhau", không "vạch áo cho người xem lưng" vốn điều tiết hành vi của con người từ trước đến nay, giờ đây nhiều người đưa chuyện riêng tư lên MXH, soi mói đời tư của người khác, biến mình thành người đánh giá, phán xử.

Đây thực sự là một thứ "rác văn hóa" không thể chấp nhận được, cần phải dọn dẹp sạch. Chúng ta cần có một không gian MXH lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển đạo đức của cá nhân và toàn xã hội.

Làm gì để chặn livestream “bẩn”?(*) : Phải dọn sạch rác văn hóa - Ảnh 2.

Minh họa: KHỀU

. Vậy theo ông, làm thế nào để dọn sạch "rác văn hóa"?

- Sở dĩ chúng ta thấy những hiện tượng trên bởi chúng ta thiếu những quy tắc tranh luận, bộ quy tắc ứng xử trên môi trường MXH. Trong khi đó, nhiều người tự cho mình quyền phán xét, đánh giá người khác, không chịu những ý kiến không phù hợp với mình...

Để hạn chế tình trạng soi mói đời tư người khác, mắng chửi, bôi nhọ..., đầu tiên vẫn phải từ nhận thức của mỗi người tham gia MXH. Họ cần phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm đạo đức của mình mỗi khi đăng tải thông tin, đặc biệt là bình luận về người khác.

Thứ hai, cần có những chế tài phù hợp. Chế tài này có thể là luật pháp, quy định cụ thể các hành vi trên MXH. Cũng có thể là hình thành dư luận xã hội lên án cái xấu, tôn vinh cái tốt để từ đó hướng dẫn hành vi con người.

Thứ ba, cần có những bài học làm gương, đặc biệt từ những người nổi tiếng, để tạo ra những thông điệp tích cực cho việc sử dụng MXH. Cuối cùng là vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức, đoàn thể cũng rất quan trọng trong việc hướng dẫn hành vi sử dụng MXH.

Nếu cùng quyết tâm hướng tới việc làm trong sạch, lành mạnh hóa môi trường MXH, chúng ta sẽ trao thêm cơ hội cho sự phát triển văn hóa của đất nước.

. Có người nhận xét internet ngày càng phát triển thì quyền con người càng dễ bị xâm phạm. Rõ ràng việc xúc phạm, bôi nhọ người khác chỉ bị phạt hành chính vài triệu đồng thì không đủ sức răn đe. Ông có đồng tình với quan điểm này?

- Internet ra đời là để tạo thuận lợi cho cuộc sống con người. Cách chúng ta sử dụng internet quyết định tác dụng hay tác hại của phương tiện này. Một phương tiện mới cũng đồng thời tạo ra lối sống mới. Đối với xã hội Việt Nam, từ khi internet xuất hiện năm 1997, chúng ta vẫn đang tìm cách thích nghi, tận dụng những lợi ích và hạn chế tác hại, trong số tác hại đó có việc xâm phạm quyền tự do cá nhân.

Giờ đây, chúng ta đang nói nhiều đến xã hội số, kinh tế số, công dân số, chắc chắn chúng ta cũng phải hình dung dần dần đến văn hóa số. Ở đó, những giá trị, chuẩn mực, lối sống, thói quen của người dân liên quan đến việc sử dụng MXH. Dữ liệu lớn, kết nối vạn vật có xu hướng biến máy móc thành con người và con người thành máy móc. Những vấn đề liên quan đến con người như quyền riêng tư, bảo mật thông tin cá nhân chắc chắn sẽ là những vấn đề nóng trong những năm sắp tới.

Mức xử phạt hành chính, dù rất quan trọng nhưng vẫn không phải là giải pháp cuối cùng. Vấn đề không phải là 3 triệu, 5 triệu hay 10 triệu đồng là đủ sức răn đe hay không, mà cần phải làm cho những người sử dụng MXH không thể, không dám và không muốn xúc phạm, bôi nhọ, dựng chuyện về người khác.

Nếu làm được vậy, sẽ trả lại sự trong sạch, văn minh cho môi trường MXH.

Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH vào ngày 17-6. Bộ quy tắc ứng xử này áp dụng cho 3 nhóm đối tượng gồm: cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam.

Theo đó, với tổ chức, cá nhân, ngoài việc tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ MXH trước khi đăng ký, tham gia MXH, nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực.

Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản MXH và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

Các nhà cung cấp dịch vụ MXH phải tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được phép của chủ thể thông tin. Các nhà cung cấp dịch vụ MXH cũng phải hướng dẫn người sử dụng MXH, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của "người yếu thế" trong xã hội sử dụng MXH an toàn, lành mạnh; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên.

B.Trân

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo