. Luật sư LÊ QUANG VŨ (Giám đốc Công ty Luật Công Bình):
Quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm
Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (điều 25) nhưng cũng có quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm (điều 23), bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình (điều 21). Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (điều 15). Như vậy, một người được sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình nhưng không được xâm phạm danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư người khác.
Cũng vì vậy, những người sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội (MXH) với hàng ngàn lượt người xem để chửi bới, thóa mạ, sỉ nhục bằng những ngôn từ thô tục nhằm vào đích danh người này hoặc ẩn ý, ám chỉ người nọ hoặc chửi vu vơ, chửi đổng là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy mức độ hành vi và yêu cầu của người bị xâm phạm để xử lý, áp dụng chế tài pháp luật dân sự, hành chính, hình sự.
Về phía chính quyền địa phương nơi xảy ra hành vi vi phạm, khi tiếp nhận được thông tin người có hành vi vi phạm pháp luật phải lập biên bản vi phạm làm căn cứ ra quyết định xử phạt hành chính.
Trường hợp người sử dụng các kênh truyền thông, MXH chửi bới ẩn ý, ám chỉ người không xác định, có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng kèm biện pháp buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật (Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Trường hợp chửi đích danh làm cho người bị hại cảm thấy bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng kèm biện pháp buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật (Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Nếu hành vi chửi bới làm tiết lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt từ 20-30 triệu đồng.
Về phía người bị vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư nhưng chưa đến mức nghiêm trọng để yêu cầu xử lý hình sự người vi phạm thì có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, người bị hại có quyền làm đơn tố cáo gửi công an cấp huyện nơi xảy ra hành vi vi phạm hoặc nơi cư trú của người vi phạm yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Làm nhục người khác" hoặc "Vu khống".
Cần nói thêm, dù người bị hại đã và đang có sai phạm về đạo đức, luật pháp thì cũng không ai được phép chửi bới, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của họ. Vì vậy, nên chọn giải pháp tố giác ra cơ quan chính quyền xử lý theo pháp luật. Hơn nữa, dù nội dung chửi là đúng sự thật nhưng xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác", tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Nếu nội dung chửi là bịa đặt, dựng chuyện nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thì phạm tội "Vu khống". Với những người hâm mộ quá khích, thiếu suy nghĩ chín chắn, hùa theo bình luận chửi bới, like, chia sẻ thông tin rộng có thể cũng bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Một người bị xử phạt về hành vi đăng thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
. Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn Luật sư TP HCM):
Không ai có quyền kết tội công dân, trừ tòa án
Gần đây, các buổi livestream trên nền tảng MXH, một vài cá nhân kết tội người này, người nọ là lừa đảo, ăn chặn tiền… Theo Hiến pháp 2013, khoản 1 điều 102 Hiến định: "TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp". Quy định này được hiểu là ở Việt Nam, chỉ có TAND mới có quyền xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Ngoài tòa án, không một tổ chức, cá nhân nào có quyền kết tội người khác.
Cùng với nguyên tắc này là nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại khoản 1 điều 31 Hiến pháp: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Việc chứng minh theo trình tự luật định có nghĩa là phải qua quy trình tố tụng theo Bộ Luật Tố tụng hình sự: Điều tra, truy tố, xét xử (theo nguyên tắc 2 cấp).
Trong những trường hợp kết tội trên mạng, một số người xuất trình các tài liệu do "lượm lặt" ở đâu đó hoặc có được từ việc xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, tài khoản MXH của cá nhân. Phải khẳng định những tài liệu thu thập dạng này là không hợp pháp và không có giá trị chứng minh, ngược lại đã vi phạm pháp luật. Hiến pháp 2013 và Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn... Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Pháp luật ghi nhận mọi người có quyền tự do ngôn luận. Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận theo phương thức nào là sự lựa chọn của mỗi người nhưng không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác; nếu vi phạm thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Nghị định 72/2013/NĐ-CP khoản 1 điều 5 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: "Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".
Ngoài ra, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng quy định cụ thể mức xử lý đối với hành vi lợi dụng MXH để thực hiện việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân...
Bình luận (0)