TP HCM là thành phố năng động, sáng tạo và là một trong 2 thành phố lớn nhất Việt Nam hiện nay. Có thể thấy, với số lượng thị dân đông đảo cũng như tầm quan trọng về vị thế kinh tế so với cả nước, TP HCM đứng trước những lợi thế mà khó có thành thị nào trong cả nước có được trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ đô thị thông minh (ĐTTM) trong tương lai.
TP HCM đã dần định hình đô thị thông minh
Nhận thức được điều này, năm 2017, UBND TP HCM đã đưa ra Quyết định số 6179/QĐ-UBND về phê duyệt đề án xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Nội dung triển khai ĐTTM ở TP HCM tập trung vào 4 cột trụ cơ bản: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; thiết lập trung tâm điều hành ĐTTM; triển khai trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và hình thành trung tâm an toàn thông tin thành phố.
Qua 3 năm triển khai các nội dung của đề án, tiến trình xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM cũng dần được định hình khi 4 cột trụ của ĐTTM do đề án đề ra đã được thiết lập một cách cơ bản.
Cụ thể, từ tháng 1-2018, kho dữ liệu dùng chung của TP HCM - giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước TP HCM.
Trung tâm Điều hành ĐTTM TP HCM đặt tại UBND thành phố bắt đầu hoạt động từ tháng 4-2019, với các nhiệm vụ cơ bản là giám sát, điều hành các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thành phố như: giao thông, an ninh công cộng, ứng cứu khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ, cung cấp điện, chiếu sáng đô thị, cấp thoát nước, thời tiết, môi trường…
Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội thành phố trực thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM bắt đầu vận hành từ tháng 8-2019, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng và từng bước hệ thống hóa các mô hình định lượng phục vụ phân tích, dự báo, mô phỏng đối với các vấn đề liên quan các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, cùng với một số vấn đề trong nước và quốc tế mà TP HCM quan tâm.
Trung tâm An toàn thông tin thành phố bắt đầu vận hành từ tháng 10-2020, nhiệm vụ chính là bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của thành phố.
Bên cạnh những nền tảng hạ tầng bước đầu của quá trình thiết lập ĐTTM của thành phố vẫn còn nhiều rào cản. Tỉ lệ thị dân sử dụng các thiết bị điện tử tiếp cận những thông tin được cung cấp bởi chính quyền điện tử còn khá khiêm tốn.
Điều này xuất phát từ nhiều lý do: thông tin từ chính quyền còn mờ nhạt, chưa cập nhật hoặc khoảng cách giữa nhu cầu thông tin của người dân và thông tin thực tế còn khá xa. Cùng với đó, trình độ lao động của thị dân - chỉ có khoảng 47% lao động được đào tạo trong tổng số thị dân trên địa bàn thành phố (tính đến tháng 10-2022).
Nói cách khác, thị dân TP HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa thật sự tham gia vào việc đặt những viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng ĐTTM.
Ở một khía cạnh khác, xuất phát điểm của chúng ta là nước đang phát triển và đi sau trong việc tiếp cận các thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại nên mức độ thẩm thấu các thành tựu này trong ĐTTM còn khá khiêm tốn.
Một vấn đề nữa là hạn hẹp về nguồn ngân sách đầu tư cho ĐTTM, quản lý an ninh mạng cũng là một trong những thử thách khá lớn của TP HCM…
TP HCM là thành phố năng động, sáng tạo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một vài gợi ý chính sách
Để xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM, trước hết, cần đưa thị dân giữ vị thế trung tâm trong quá trình thiết lập ĐTTM. ĐTTM lấy con người làm trung tâm là một bước đi lật ngược hoàn toàn mô hình quản trị đô thị kiểu cũ.
Thiết kế lấy con người làm trung tâm bắt đầu bằng cách quan sát kỹ cách người ta hành xử trong đời thực rồi thiết kế các dịch vụ xoay quanh nhu cầu của con người. Nó tạo điều kiện cho TP HCM đưa ra các nguyên mẫu, đo lường kết quả, thất bại nhanh và làm lại nhanh. Với thiết kế lấy con người làm trung tâm, các quy trình sáng chế và cải tiến không bao giờ dừng lại - chúng tiếp diễn không ngừng.
Khía cạnh khác, trình độ thị dân vốn không đồng đều, đặc biệt là lượng dân nhập cư TP HCM còn khá tự do, nên việc thiết lập các cơ sở công nghệ phục vụ người dân cần hướng đến tính tiện lợi và dễ sử dụng là điều tất yếu.
Thứ hai, về an ninh mạng. Với một mạng internet kết nối trên diện rộng cả thành phố, một lỗ hổng xuất hiện trên hệ thống có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống an ninh của toàn đô thị. Dữ liệu khi truyền qua hệ thống ĐTTM cần được mã hóa mạnh, đồng thời có các phương thức xác thực 3 yếu tố đối với thiết bị đầu cuối như điện thoại di động. Các thiết bị cá nhân cũng được phân quyền nhằm hạn chế truy cập các dữ liệu nhạy cảm. Cùng với đó, cần nâng cấp và cải tiến liên tục công nghệ mới, tăng cường tính hiệu quả của Trung tâm An toàn thông tin TP HCM trong tương lai.
Thứ ba, về nguồn ngân sách cho xây dựng ĐTTM. Xây dựng ĐTTM là một quá trình tất yếu của TP HCM bởi đây là thành phố năng động nhất cả nước. Một khi ĐTTM ở đây được thiết lập thành công sẽ là hình mẫu cho hàng loạt thành phố khác kế thừa và phát triển. Do đó, xây dựng ĐTTM nên là một khoản đầu tư có chủ đích và nên được ưu tiên hàng đầu trong các khoản "chi đầu tư phát triển" của Chính phủ. Bên cạnh đó, nên tạo dựng được sự liên kết giữa chính quyền - doanh nghiệp - thị dân trong việc huy động nguồn vốn.
Bình luận (0)