TP HCM hiện đóng góp 1/4 GDP, năng suất lao động gần gấp 3 trung bình cả nước và trong tương lai kinh tế phải luôn đi đầu. Lợi thế của TP HCM chính là sự quyết tâm chính trị, thời kỳ dân số vàng, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trên thế giới đến hợp tác đầu tư.
Công việc cấp bách: Tạo nguồn nhân lực
Tuy nhiên, thách thức là đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập như có kỹ năng, giỏi nghề, đảm nhận vai trò chế tạo, sử dụng được công nghệ tiên tiến… để góp phần đảm nhiệm vai trò kế thừa sản xuất và ứng dụng máy móc hiện đại tạo ra thêm nhiều giá trị của cải vật chất cho xã hội.
Hiện TP HCM còn thiếu lực lượng lao động chuyên môn, chất lượng lao động chưa cao, thua thiệt trong cạnh tranh với lao động quốc tế, phát triển chưa tương xứng. Một số ngành công nghiệp như cơ khí, điện tử, ôtô dù luôn được trong diện ưu tiên phát triển vẫn luẩn quẩn ở trình độ gia công và lắp ráp. Dẫu biết rằng chính quyền không thể chọn ngành nghề cho từng DN đầu tư vào đâu, nơi nào, hình thức gì nhưng hoàn toàn có thể làm cầu nối hay hỗ trợ chính sách, tạo môi trường cho DN phát triển bền vững.
TP HCM cần có trường ĐH chất lượng cao đào tạo về nhân lực - khoa học - công nghệ. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giới thiệu mô hình nhà thông minh Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một trong những công việc cấp bách và thiết thực với TP trong hội nhập hiện nay là tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X đã có chiến lược cho phát triển nguồn nhân lực, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về nhân lực - khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á nhưng tiến trình thực hiện vẫn còn chậm.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, trước hết cần quy định chuẩn mực đào tạo nghề có cập nhật hóa kiến thức thế giới để các cơ sở đào tạo nghề áp dụng đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho người học bắt kịp thời đại, làm chủ các thiết bị và máy móc hiện đại. Khuyến khích học nghề bằng nhiều hình thức nhưng bảo đảm chất lượng, học để làm. Tạo nhiều kênh cung cấp thông tin cho người lao động biết rõ nơi tuyển dụng gắn với yêu cầu cần thiết, công việc, năng lực, trình độ.
Các cơ sở đào tạo có thể giảm hoặc bỏ các môn học không cần thiết để tập trung đào tạo theo chiều sâu chuyên ngành, kỹ năng, giỏi nghề bên cạnh dạy lý thuyết. Nên tăng cường thời gian thực hành, chủ động đến với DN sẽ giúp người học được tiếp cận công nghệ mới và công việc thực tế.
TP HCM cũng nên phân cấp và có cơ chế cho DN chủ động, chuẩn bị và đào tạo đội ngũ nhân sự ngay từ bây giờ để sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ngoài các cơ sở hiện có, khuyến khích các DN đầu tư đào tạo nghề sẽ thuận lợi trong biên soạn đề cương học tập, thực hành ngay chính tại DN, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tế. Như vậy, DN có thể đào tạo nghề cho người lao động, đánh giá tay nghề, cấp chứng chỉ.
Bên cạnh đó, chính quyền TP HCM có thể giao cho một đơn vị làm cầu nối (ví dụ Sở Khoa học và Công nghệ) giữa nhà khoa học và DN để có những đề tài nghiên cứu phù hợp, thiết thực đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, nên có chính sách hỗ trợ cá nhân và DN tự nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ.
TP HCM cũng cần phải có trường ĐH chất lượng cao, đào tạo về nhân lực - khoa học - công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển TP HCM và cả nước, cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thành lập trường ĐH chất lượng cao trên cơ sở tập trung và tận dụng phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, khoa chuyên ngành ở các trường ĐH có chất lượng…; đầu tư phương tiện và dụng cụ để nghiên cứu, giảng dạy. Chi phí ban đầu do chính quyền tài trợ, nhà trường sẽ tự lo khi có hợp đồng cung cấp sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, có cơ chế đặc biệt để thu hút nhiều nhà khoa học, giáo sư uy tín trong và ngoài nước đến làm việc, giảng dạy. Từ đó, TP HCM sẽ có những công trình nghiên cứu tiên tiến, sáng tạo ứng dụng vào đời sống.
Phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế"
Ngay sau Kế hoạch số 305-KH/TU ngày 29-8 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về "Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của người dân góp phần xây dựng TP HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước" được triển khai, ngày 24-9, Báo Người Lao Ðộng đã phát động cuộc thi với chủ đề "Lắng nghe người dân hiến kế". Cuộc thi nhằm tiếp nhận những ý kiến có thể triển khai trong thực tế để đăng, phát trên các phương tiện xuất bản của Báo Người Lao Ðộng.
Nội dung tác phẩm dự thi là những hiến kế gần gũi với đời sống, phục vụ tốt cho cộng đồng và sự phát triển của TP cũng như cả nước; những hiến kế về việc xây dựng, sửa chữa, quy hoạch đô thị, giao thông, cầu đường, cải cách hành chính, giáo dục, y tế, khởi nghiệp... Tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào.
Ðối tượng tham gia là người lao động trên cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài; chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân... Các tác phẩm dự thi được tính từ ngày 24-9 đến hết 31-12-2019. Các tác phẩm dự thi gửi về: Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM hoặc gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (vui lòng để lại thông tin liên hệ (số điện thoại). Sẽ có một giải nhất (50 triệu đồng), một giải nhì (30 triệu đồng) và 2 giải ba (mỗi giải 10 triệu đồng) được công bố và trao vào quý I/2020.
Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều hiến kế, giải pháp khả thi, qua đó góp phần xây dựng TP HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước.
Đơn vị dồng hành:
Bình luận (0)