TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam:
Chỉ nói chung chung!
Người dân bây giờ đi lễ hội thường cầu những gì có lợi cho mình, không mấy người hiểu rõ bản chất thực sự của lễ hội là gì. Cơ quan quản lý thì chưa thống nhất được quy định, có giải pháp nhưng không kèm theo những chế tài cụ thể, chỉ nói chung chung. Công tác dự báo chưa mạnh nên chưa dự báo được tình hình để đưa ra những định hướng và giải pháp cụ thể.
Một số chuyên gia văn hóa cho rằng hãy để cộng đồng quyết định việc tổ chức lễ hội. Tôi nghĩ tất nhiên là phải trao quyền cho cộng đồng để thực hiện những điều đó. Xã hội càng phát triển thì kéo theo vai trò của quần chúng nhân dân càng lớn. Tuy nhiên, lễ hội hiện nay không chỉ diễn ra trong một cộng đồng mà là liên cộng đồng, không gian lễ hội mở rất rộng, thời gian kéo dài. Vì vậy, đòi hòi phải có một cơ quan quản lý nhà nước đứng ra để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Ví dụ, một lễ hội có tới hàng vạn người tham gia mà không có cơ quan quản lý nhà nước thì vấn đề an toàn thực phẩm hay chèn ép khách, làm sao cộng đồng tự xử lý được? Cho nên, việc trao quyền cho cộng đồng là trao quyền gì chứ không thể khoán trắng được.
Để lễ hội vẫn giữ được những giá trị truyền thống và nền nếp, các cơ quan chức năng về văn hóa phải xây dựng được những văn bản mang tính quản lý nhà nước, nêu cụ thể từng vấn đề. Ví dụ, đốt vàng mã hay “chặt chém”, cướp giật… thì phải xử lý chế tài ra sao? Cần phải tuyên truyền mạnh vấn đề này cho cộng đồng và nên tuyên truyền bằng tiếng nói của các nhà khoa học. Ngoài ra, cần sớm có bộ quy tắc ứng xử cụ thể trong lễ hội, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đó và phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh:
Không thể phản văn hóa
Mỗi năm, cứ sau Tết, hàng ngàn lễ hội lại nở rộ, người dân và công chức lại bỏ việc đi chơi, suốt quá trình lễ hội đã xảy ra biết bao vấn đề. Chúng ta có thực sự cần nhiều lễ hội đến thế không? Tất nhiên rất cần tổ chức lễ hội để người dân được tham gia, đồng thời thu hút khách du lịch đến với Việt Nam, “khoe” được nét đẹp văn hóa dân tộc nhưng chính vì vậy càng không thể phản văn hóa.
Trước hết, rất cần cơ quan quản lý văn hóa xem xét lễ hội nào thực sự thể hiện nét đẹp, là đặc trưng văn hóa dân tộc, phản ánh giá trị văn hóa truyền thống, đại diện cho tinh thần người Việt. Nghĩa là nhìn vào đó, người ta thấy ngay chỉ có thể là Việt Nam và ở Việt Nam thì phải có quy hoạch tổng thể. Sau đó, các chuyên gia, nhà quản lý cần ngồi lại nghiên cứu, đưa ra bộ quy định quản lý lễ hội phù hợp ở tầm vĩ mô và địa phương sẽ quy định chi tiết cho từng lễ hội. Còn như chỉ là một vài chỉ đạo “nóng”, mấy văn bản thì không giải quyết được chuyện gì.
Tôi nghĩ nếu cơ quan quản lý có ý thức cao và ra tay kịp thời thì hoàn toàn có thể xử lý được những lễ hội phản cảm. Điển hình là sau khi chấn chỉnh, nay đã không còn cảnh chém lợn rùng rợn ở sân đình Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh. Nghi thức chém lợn vốn thể hiện sự khao khát chiến thắng, mang ý nghĩa kêu gọi tập hợp dũng sĩ, tráng sĩ trong những mùa tuyển quân để chiến đấu mở rộng bờ cõi. Tuy nhiên, đến một giai đoạn nào đó của xã hội, điều này không còn cần thiết, thậm chí dã man thì cần phải bỏ.
Đối với hành vi tranh cướp, giành giật, chen lấn, giẫm đạp rất thiếu văn hóa, mê muội diễn ra trong những lễ hội gần đây, theo tôi, xuất phát từ thói xấu của rất nhiều người. Cái gì cũng ưa tranh giành, muốn nhận phần hơn, sợ bị thiệt. Để giáo dục người dân bỏ bớt thói xấu, phải giải quyết tận gốc rễ của vấn đề và cần nhiều thời gian, nhiều biện pháp kết hợp. Đi từ tôn giáo lan tỏa tới người dân là con đường rất nhanh. Một con đường nữa là giáo dục và kiểm soát bằng các quy định quản lý lễ hội từ chính quyền và ngành văn hóa.
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo:
Dùng giáo dục để chấn chỉnh
Trong quá khứ, có giai đoạn chúng ta có xu hướng cực tả với tín ngưỡng nên loại bỏ các nghi lễ ra khỏi đời sống xã hội. Chúng ta quên đi rằng đời sống con người phải tuân theo chuẩn mực dựa trên giá trị cốt lõi, đó là giá trị tâm linh, tôn giáo. Tôi ghi nhận với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu, những lễ hội được hồi phục một cách mạnh mẽ. Tất nhiên, cũng có những sự khôi phục một cách thái quá và không cẩn thận nên xảy ra hiện tượng “tam sao thất bản”.
Có người cho rằng những năm gần đây, lễ hội trở nên bạo lực, tranh cướp, bát nháo là từ tâm lý xã hội; rằng vẫn có nhiều điều bất công khiến con người không tin vào tri thức, sự phấn đấu năng lực bản thân hay gia đình, cộng đồng. Tâm lý chụp giật, không lao động mà muốn hưởng, không đủ tài năng mà muốn thăng quan tiến chức, chúng ta nhìn thấy rất rõ trong xã hội hôm nay. Có rất nhiều sự lệch chuẩn, mà sự lệch chuẩn này ở rất nhiều khía cạnh, vấn đề xã hội.
Chúng ta phải thừa nhận xã hội như thế nào thì các hoạt động khác cũng như vậy. Xã hội đang có những nhóm yếu thế, tồn tại những người không làm gì mà được hưởng sự giàu sang…, từ đó tất nhiên sẽ dẫn đến hành vi xã hội sai. Chúng ta phải đấu tranh làm sao cho những hành vi lệch chuẩn xã hội không còn tồn tại. Theo tôi, phải dùng các biện pháp giáo dục, không thể dùng bạo lực để chấn chỉnh được.
Nhiều ý kiến phong phú, xác đáng
Diễn đàn “Làm gì để chấm dứt lễ hội phản cảm?” khởi đăng từ ngày 7-2 đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của độc giả và chuyên gia ở các lĩnh vực. Vì thế, góc nhìn về lễ hội cũng như giải pháp để chấm dứt lễ hội phản cảm khá phong phú, xác đáng.
Đa số đều cho rằng lễ hội là nhu cầu của xã hội, việc tổ chức lễ hội là cần thiết. Tuy nhiên, phải xem xét lễ hội nào thực sự thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc, phản ánh giá trị văn hóa truyền thống thì giữ lại và có quy hoạch, quản lý, đặc biệt là chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn, không để lợi ích kinh tế lấn át nhu cầu văn hóa, giá trị văn hóa.
Bình luận (0)