Bảng xếp hạng Chỉ số quốc gia khỏe mạnh Bloomberg mới nhất (công bố năm 2019) đã xếp Tây Ban Nha lên hàng đầu trong số 169 quốc gia khỏe mạnh trên thế giới. Bảng xếp hạng uy tín này dựa trên một nghiên cứu phổ quát, tổng hợp các dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới, Phòng Dân số Liên Hiệp Quốc, nhiều thống kê cùng nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới. Những người đứng đầu nghiên cứu cho rằng "phép mầu" nằm trong chế độ ăn Địa Trung Hải. Quốc gia xếp hạng 2 là Ý cũng ăn theo chế độ này.
Chỉ là những thực phẩm dễ tìm
Không chỉ sở hữu sức khỏe "vàng", người Tây Ban Nha còn thọ nhất thế giới với tuổi thọ trung bình là 83,5 và sẽ tăng lên 85,8 vào năm 2040, theo dữ liệu từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Đại học Washington (Mỹ).
Kiểu ăn Địa Trung Hải được ca ngợi thật ra không có gì quá khó và giá thành lại rẻ. Cụ thể, ăn nhiều cá dầu (còn gọi là cá béo), dầu ôliu, đậu và các loại hạt, đa dạng rau và trái cây, sử dụng ngũ cốc nguyên cám; hạn chế tối đa thịt đỏ, thịt chế biến (xúc xích, thịt nguội), bơ và mỡ động vật.
Protein lành mạnh từ cá dầu, đậu và các loại hạt là thành phần được các nhà khoa học thế giới quan tâm nhiều nhất. Đó cũng là dạng protein mà "quốc gia khỏe nhất châu Á" và xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng thế giới là Nhật Bản ưa chuộng. Cá và các món ăn từ đậu, nhất là đậu nành và đậu đỏ, đã trở thành truyền thống ở Nhật.
Cá dầu là những loại cá có chứa nhiều dầu cá trong các mô của chúng và khoang bụng, xung quanh ruột như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá bơn, cá tuyết… Ngoài ra, cá ngừ cũng được đa số quốc gia trên thế giới xếp là loại "cá dầu".
Những người đứng đầu nghiên cứu cho rằng "phép mầu" nằm trong chế độ ăn Địa Trung Hải (ảnh minh họa từ Internet)
Tuy dầu ôliu được coi là "thần dược" hàng đầu nhưng theo khuyến cáo từ Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan và Trường Y khoa Harvard, nhiều loại dầu thực vật khác cũng là dầu lành mạnh như dầu từ đậu nành, đậu phộng, hạt cải, hướng dương…
Khoa học ủng hộ
Từ năm 2013, nghiên cứu từ chính Tây Ban Nha, công bố trên Tạp chí Y học Anh (NEJM) đã chứng minh chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm tới 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim, bao gồm đột quỵ, khi đem so sánh với kiểu ăn kiêng mỡ thông thường.
Nghiên cứu mới công bố năm 2019 từ Viện Thần kinh Địa Trung Hải (Ý) thì khuyến cáo những người bị tăng cholesterol máu (mỡ máu) đến mức phải dùng thuốc như statin thì nên ăn kiểu Địa Trung Hải. Cách ăn này vừa giúp giảm cholesterol mạnh hơn vừa tăng khả năng sống sót nếu lỡ gặp phải cơn đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
Trong khi đó, Đại học Wake Forest (Mỹ) chứng minh kiểu ăn này đẩy lùi hiệu quả bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tình trạng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Nghiên cứu công bố giữa năm 2020 trên tạp chí khoa học Alzheimer’s and Dementia, đứng đầu bởi tiến sĩ Emily Chew từ Viện Mắt quốc gia (NEI) thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) nhấn mạnh kiểu ăn Địa Trung Hải là "thần dược" chống lại Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ, vốn không thuốc chữa và là nguyên nhân gây tử vong sớm hàng thứ 5 thế giới. Nó cũng giúp ngăn ngừa chứng thoái hóa hoàng điểm gây mù lòa.
Còn các nhà nghiên cứu ở Đại học Athens (Hy Lạp) chứng minh trong nghiên cứu công bố trên Human Reproduction rằng nếu phụ nữ đi thụ tinh trong ống nghiệm chịu khó ăn kiểu này, họ sẽ giúp cơ hội thành công tăng thêm 70% so với người ăn kiểu khác!
"Thần dược" ngũ cốc nguyên cám
Ngũ cốc nguyên cám (ngũ cốc nguyên hạt) là gạo lứt, các loại bánh mì - mì từ lúa mạch nguyên cám, yến mạch... Nghiên cứu trên 125.000 người của Bệnh viện Brigham & Women và Trường Y khoa Harvard (Mỹ) tiết lộ chỉ một thay đổi nhỏ trong bữa cơm sẽ giúp giảm 37% nguy cơ ung thư gan. Một công trình sau đó, cũng của Harvard, khuyên phụ nữ nên chăm ăn ngũ cốc nguyên cám để tăng cường chất xơ, ngăn chặn ung thư vú. Một số nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh tính năng phòng ung thư ruột của loại thực phẩm này nhờ lượng chất xơ dồi dào.
Bình luận (0)