Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của tòa án như sau: Khoản 6 điều 26 quy định tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án; điều 37 quy định "1. TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây: a. Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 điều 35 của bộ luật này; 2. TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện quy định tại điều 35 của bộ luật này mà TAND cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của TAND cấp huyện" và điểm a khoản 1 điều 39 quy định tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của bộ luật này.
Theo quy định tại các điều khoản trên, TAND TP HCM có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Vinasun kiện bị đơn là Grab.
Tại điều 4 của bộ luật này quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, việc giải quyết vụ việc dân sự này sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ Luật Dân sự và bộ luật này quy định. Theo đó, nếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ thì tòa án không được từ chối giải quyết ngay cả khi vấn đề tranh chấp chưa có điều luật điều chỉnh. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ Luật Dân sự và bộ luật này quy định.
Đồng thời, tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 Bộ Luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định cụ thể về trường hợp trả lại đơn khởi kiện do vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được xác định là: "Trường hợp mà theo quy định của pháp luật thì các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết".
Vì vậy, nếu không có căn cứ chứng minh vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết thì TAND TP HCM có cơ sở để thụ lý giải quyết vụ việc.
Bình luận (0)