Thống kê từ cơ quan chức năng trên địa bàn TP HCM, 6 tháng đầu năm 2019 có 328 vụ tai nạn, hơn 300 người chết, 70 người bị thương. Số liệu này khiến nhiều người giật mình. Làm sao có thể yên tâm khi ra đường với con số "300 người chết chỉ trong 6 tháng, vì tai nạn giao thông" mà nguyên nhân phần lớn là do ý thức tham gia giao thông kém, thiếu quan sát và chạy quá tốc độ.
Ghi nhận của phóng viên báo Người Lao Động cho thấy có hàng trăm kiểu vi phạm an toàn giao thông đang diễn ra hằng ngày, như: vừa chạy xe vừa nói chuyện điện thoại, có người như làm xiếc khi vừa chạy xe vừa nhắn tin; vượt đèn đỏ; chen, lấn làn ngược chiều; chạy vào đường ngược chiều; chở vật liệu cồng kềnh quá giới hạn cho phép; người đi bộ băng sang đường bất cứ lúc nào không quan tâm đến vạch vôi quy định…
Câu chuyện ý thức giao thông kém, thực trạng giao thông xấu xí đã được nói đến nhiều trong thời gian qua nhưng tình hình vẫn chưa mấy cải thiện. Vì đâu? Nhiều bạn đọc khẳng định do luật pháp chưa nghiêm.
Bạn đọc Mai Trang nêu: "Luật quy định nhưng không khó để bắt gặp tình trạng vừa chạy xe vừa nói chuyện điện thoại mà ít người bị "hỏi thăm". Bạn đọc Tiến Hữu góp thêm ý kiến: "Ý thức kém một phần nguyên nhân là do thi hành luật, nếu thực thi luật nghiêm hơn sẽ làm cho ý thức của người tham gia giao thông tăng lên". Bạn đọc Võ Minh Tấn thì nhấn mạnh: "Nghe nói TP đã và đang triển khai lắp camera an ninh khắp nơi, cần ghi nhận và trích xuất các trường hợp vi phạm và phạt nguội thật nặng, chứ không thể trông chờ vào tuyên truyền suông".
Cùng suy nghĩ như bạn đọc Võ Minh Tân, bạn đọc có email: qra@gm.co quyết liệt: "Lắp camera, phạt nguội thật nặng, cứ gửi giấy về nhà, không đóng phạt thì cấm xuất cảnh, cấm dùng các dịch vụ nhà nước như công chứng, làm CMND, không cho mua vé tàu xe, máy bay... Làm vậy xem coi có còn dàm vi phạm hay không?".
Chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, lỗi thường bắt gặp (ảnh: Hoàng Triều)
Làm sao để bức tranh giao thông đô thị sáng sủa hơn, bạn đọc có email: smartcyty2019 "nói thẳng": Người dân lỗi 1 thì các cơ quan quản lý lỗi 10. Do không xử lý nghiêm minh, nên người dân không sợ.
Bạn đọc Quang Trường góp ý: "Không nên trách người dân kém ý thức nữa, cần có mức chế tài hợp lý đủ sức làm cho người dân sợ không dám tái phạm và việc thi hành xử phạt phải thực hiện "ngon lành" tới nơi tới chốn, không được có chuyện du di, cho qua, tiêu cực".
Bạn đọc Phan Công Thứ đề nghị: "So sánh thì có phần khập khiễng. Nhưng cọp trên núi bắt về thuần phục được chẳng qua nhờ đòn roi, con voi còn sợ chú nài... Cứ chế tài cho nghiêm thì ai chả sợ mà thay đổi ý thức, thói quen xấu? Nói thiếu kinh phí thì cứ lấy tiền xử phạt; thiếu người thì cứ tuyển dụng khi thấy cần thiết hoặc lấy từ quỹ tinh giảm bộ máy hành chính tăng cường cho bộ phận trực tiếp. Dễ ợt miễn là có quyết tâm".
Bình luận (0)