Gần 20 năm làm việc, giờ sắp tới tuổi nghỉ hưu nhưng bà Nguyễn Thị Trang Thúy - bảo mẫu một trường tiểu học trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP HCM - rất lo lắng vì mình không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Do nghỉ hè 3 tháng
Bà Thúy năm nay đã gần 56 tuổi, chỉ còn chưa đến một năm là nghỉ hưu. Nhiều năm qua, bà chỉ làm công việc bảo mẫu tại các trường học, được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Do đặc thù của ngành giáo dục - có thời gian nghỉ hè 3 tháng (không làm việc) nên bà Thúy chỉ được ký hợp đồng 9 tháng và ký theo từng năm. Do những tháng hè không làm việc nên bà không được tham gia các loại bảo hiểm và cũng không có lương. Điều này khiến thời gian đóng BHXH của bà bị ngắt quãng. Vì vậy, dù tham gia BHXH từ sớm, chưa từng rút BHXH lần nào nhưng bà vẫn lo khi đến tuổi nghỉ ngơi không đủ số năm đóng tối thiểu để lĩnh lương hưu.
"Mỗi năm đóng thiếu 3 tháng nên tổng số năm đóng BHXH của tôi cho đến khi nghỉ hưu không đủ 20 năm. Về già, ai cũng muốn có lương hưu, tôi cũng muốn mua BHXH tự nguyện cho thời gian còn thiếu nhưng thu nhập chưa tới 4,5 triệu đồng/tháng, lại đang ở trọ nên không có tích lũy. Vì vậy, tôi mong giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu" - bà Thúy bày tỏ.
Bà T.T.K.P - 50 tuổi; bảo mẫu một trường mầm non ở quận 6, TP HCM - cũng có thời gian đóng ngắt quãng BHXH suốt nhiều năm. Trước đây, bà làm việc tại một trường mầm non công lập, được ký HĐLĐ và đóng BHXH, BHYT 9 tháng trong năm. Ba tháng hè không làm việc, bà phải đi phụ quán ăn để có thu nhập.
Phải lo tìm việc trong thời gian nghỉ hè nên năm 2022, bà P. quyết định nghỉ việc ở trường cũ và xin vào làm tại một trường mầm non tư thục. Ở chỗ làm mới, dù điều kiện làm việc vất vả hơn nhưng do làm xuyên hè nên thời gian đóng BHXH, BHYT của bà không bị ngắt quãng.
Từ thực tế này, bà P. mong muốn cơ quan chức năng xây dựng chính sách quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ giáo viên ký hợp đồng dưới 12 tháng và bảo mẫu tại các trường học. Chỉ có như vậy, người lao động (NLĐ) mới an tâm gắn bó với nghề, về lâu dài cũng dễ tiếp cận chính sách an sinh.
Cần chính sách hỗ trợ
Liên quan vấn đề này, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, khẳng định việc chỉ ký HĐLĐ xác định thời hạn 9 tháng/lần trong nhiều năm đối với NLĐ làm việc ở một số vị trí như nhân viên chăm sóc, phục vụ… ở các trường mầm non là không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, điều đó khiến NLĐ thiệt thòi. Bởi lẽ, nếu thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN bị ngắt quãng, họ không được hưởng các chế độ phụ cấp, thâm niên ngành nghề; tiền lương luôn ở mức khởi điểm nên rất thấp…
Do vậy, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật dành cho lực lượng lao động đặc thù này, cần xác định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chăm lo đối với NLĐ theo hướng kéo dài thời hạn HĐLĐ; cân đối thu chi để hỗ trợ tiền lương, tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cho họ trong thời gian nghỉ hè (thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng).
Theo luật sư Phan Thị Lan - Đoàn Luật sư TP HCM, thực trạng này không chỉ xảy ra ở khối mầm non mà còn ở cả các trường học có hệ bán trú. Bà Lan cho rằng khi đã cho phép mở lớp bán trú thì song song với các yêu cầu về tiêu chí lúc tuyển dụng, cần quy định rõ chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ làm công việc chăm sóc trẻ.
Bà Nguyễn Thị Phú Châu, hiệu trưởng một trường mầm non ở TP HCM, cho biết với khối mầm non hiện nay, chỉ có cán bộ quản lý, giáo viên, kế toán, văn thư thuộc diện biên chế. Các vị trí còn lại như nhân viên phục vụ, chăm sóc thì chỉ ký hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP (hợp đồng công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập). Số lượng lao động tùy thuộc nhu cầu và trường tự cân đối nguồn thu để chi trả. Thực tế, do kinh phí nhà trường có hạn nên tiền lương của những NLĐ này khá thấp.
"Nhân viên phục vụ, bảo mẫu là những vị trí việc làm rất cần thiết ở khối trường mầm non. Chúng tôi rất mong có được đội ngũ nhân viên làm việc lâu dài nhưng điều đó rất khó. Vì vậy, chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để cải thiện thu nhập cho các cô, nhất là trong những tháng hè" - bà Châu bày tỏ.
Công việc tiềm ẩn rủi ro
Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được đơn kiến nghị của nhiều nhân viên nuôi dưỡng tại các trường mầm non công lập ở TP Hà Nội.
Theo phản ánh, công việc của họ dù nhiều (chuẩn bị từ 300 đến 800 suất ăn mỗi ngày) nhưng diễn ra trong điều kiện chưa bảo đảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động. Nhiều người trong quá trình lao động đã gặp tai nạn, chịu thương tật vĩnh viễn nhưng công việc này lại không được công nhận là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như "nấu ăn trong các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể có từ 100 suất ăn trở lên" ở lĩnh vực du lịch. Không chỉ vậy, mức lương của họ khá thấp, chỉ từ 2,6 triệu đến 4,398 triệu đồng/người/tháng.
Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung công việc "nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất trở lên" thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Bình luận (0)