xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo vệ cán bộ Công đoàn

THANH NGA

Sửa đổi Luật Công đoàn phải tạo cơ sở pháp lý vững chắc giúp nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn, bảo vệ tốt đoàn viên - lao động và đội ngũ cán bộ Công đoàn

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức tại TP HCM, rất nhiều vấn đề "nóng" đã được các đại biểu mổ xẻ, góp ý nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn. Đó là vấn đề bảo vệ cán bộ Công đoàn cơ sở trong trường hợp bị doanh nghiệp chèn ép do dám đứng ra bảo vệ người lao động (NLĐ); việc bảo vệ NLĐ làm việc tại các đơn vị chưa có Công đoàn; cơ chế tài chính Công đoàn khi các tổ chức đại diện NLĐ ra đời…

Tăng cường vai trò đại diện

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Công đoàn 2012 xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là khi Bộ Luật Lao động 2019 ra đời có những điểm mới về quan hệ lao động, quyền Công đoàn tại doanh nghiệp, khác biệt so với Luật Công đoàn. Do vậy, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, việc sửa đổi Luật Công đoàn là vô cùng cần thiết.

Ông Quảng cho biết trên cơ sở thừa kế Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 35 điều, trong đó có nhiều nội dung mới hoặc được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, tài chính Công đoàn. Góp ý cho dự thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh rằng, Công đoàn đang bước vào giai đoạn mới, sắp tới sẽ có các tổ chức đại diện NLĐ khác ra đời vì vậy, Công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ đoàn viên - lao động (theo điều 10 dự thảo Luật Công đoàn).

Về nội dung này, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng ban soạn thảo cần quan tâm nghiên cứu điều chỉnh theo hướng Công đoàn có quyền khởi kiện nếu nhận thấy người sử dụng lao động xâm phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ. 

Bởi thời gian qua, việc khởi kiện của Công đoàn gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là về vấn đề ủy quyền, một phần do cơ chế ủy quyền còn rắc rối. Ông Triều cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi bị vướng rất nhiều, nhất là ở những vụ doanh nghiệp có hàng ngàn người nợ BHXH thì làm sao để tất cả NLĐ đều làm giấy ủy quyền cho Công đoàn. Tôi hy vọng những vướng mắc này sẽ được tháo gỡ để Công đoàn tham gia bảo vệ NLĐ tốt hơn". 

Ngoài ra, ông Triều cũng cho rằng Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bỏ Điều 17 của Luật Công đoàn 2012 (quy định quyền, trách nhiệm của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với NLĐ ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) chưa thành lập Công đoàn cơ sở). Theo ông cần phục hồi điều này để tạo điểm tựa cho NLĐ khi họ bị vi phạm về quyền lợi thì có thể yêu cầu Công đoàn cấp trên hỗ trợ.

Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng cho rằng nên chăng bổ sung quyền khởi kiện của Công đoàn khi NLĐ bị xâm phạm quyền lợi để đơn giản hóa các thủ tục khởi kiện. 

"Khi bị vi phạm quyền lợi, nhất là nợ BHXH, NLĐ rất trông chờ sẽ được Công đoàn hỗ trợ nhưng với những quy định phức tạp như hiện nay, việc khởi kiện gặp rất nhiều trở ngại. Do vậy, bên cạnh bổ sung vào luật, tổ chức Công đoàn cần phải ngồi lại với các cơ quan có liên quan tháo gỡ vướng mắc trong quy trình khởi kiện để Công đoàn có thể phát huy vai trò, trách nhiệm trong đại diện, bảo vệ đoàn viên - lao động" - ông Ngạn nói.

Bảo vệ cán bộ Công đoàn- Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), tặng quà cho đoàn viên. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Đủ kiểu chèn ép, gây khó dễ cho cán bộ Công đoàn

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất tại hội thảo là làm sao để bảo vệ được cán bộ Công đoàn khi quan hệ lao động căng thẳng, họ bị DN chèn ép khi dám đấu tranh đòi quyền lợi cho NLĐ. Một số đại biểu cho rằng không hiếm trường hợp chủ tịch Công đoàn cơ sở bị sa thải, điều chuyển vị trí không phù hợp hoặc cho "ngồi chơi xơi nước" để tạo áp lực; thậm chí có trường hợp chủ tịch Công đoàn cơ sở sau khi lên tiếng về bữa ăn giữa ca của NLĐ đã bị chặn đánh ngay sau giờ tan ca.

Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết luật có quy định đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ Công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành Công đoàn cấp trên. 

Tuy nhiên, người trong ban chấp hành Công đoàn cơ sở cũng là người của DN. Vì vậy, đã có trường hợp, chủ DN muốn sa thải chủ tịch Công đoàn cơ sở, họ lách bằng cách lấy ý kiến ban chấp hành Công đoàn cơ sở. 

"Khi lấy ý kiến, chỉ duy nhất ông chủ tịch Công đoàn bỏ phiếu chống, còn lại những thành viên khác trong ban chấp hành đều đồng ý thì trung tâm không thể bảo vệ được cán bộ trong trường hợp này nên cảm thấy rất chua xót. Vì vậy, theo tôi nếu đã cấm thì không nên có hướng mở để DN vin vào đó để chèn ép cán bộ Công đoàn" - ông Hà đề xuất.

Đồng tình với những ý kiến của ông Hà, ông Trần Ngọc Vân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các KCN Bình Dương (tỉnh Bình Dương), cũng cho rằng nhìn các điều khoản bảo vệ cán bộ Công đoàn trong dự thảo luật thì có vẻ đầy đủ nhưng thực tế khi quan hệ lao động có mâu thuẫn mà cán bộ Công đoàn đứng về phía NLĐ, chủ sử dụng lao động có hàng trăm cách để chèn ép, sa thải cán bộ Công đoàn đó. 

Ông Vân dẫn chứng một sự việc tại tỉnh Bình Dương, một cán bộ Công đoàn sau khi lên tiếng về những vi phạm của DN đã bị điều chuyển công tác, cho "ngồi chơi xơi nước" nhiều ngày liền. Sự việc dù có sự can thiệp của Công đoàn cấp trên nhưng quá trình thương thảo cũng kéo dài, vô cùng mệt mỏi. "Tôi cho rằng cần có biện pháp đủ mạnh để bảo vệ cán bộ khi họ thực hiện vai trò của mình" - ông Vân nêu. 

Ông VŨ MINH TIẾN, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Tạo hành lang pháp lý vững chắc

Việc sửa Luật Công đoàn hết sức quan trọng, nhằm thể chế hóa tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Qua đó, phát huy bản chất, vị trí, vai trò vốn có của tổ chức Công đoàn Việt Nam sau hơn 90 năm hình thành và phát triển. Việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, chính trị - xã hội, tình hình thực tiễn hoạt động Công đoàn và sự phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay.

Dự án Luật Công đoàn dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XV.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo