xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đấu tranh hiệu quả trước yêu sách "đường lưỡi bò"

Hoàng Đình Dũng (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4), Trần Văn Ba (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2)

(NLĐO) - Đó là việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển; bởi lẽ mỗi ngư dân, mỗi tàu cá ra khơi là chúng ta có thêm những "cột mốc chủ quyền sống" trên biển.

Bóc mẽ "đường lưỡi bò" phi pháp

 "Đường lưỡi bò" hay còn gọi "đường 9 đoạn" là một đoạn đường đứt khúc ban đầu có 11 đoạn bao quanh các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Trung Sa và có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40. Tuy nhiên vào năm 1953, "đường 11 đoạn" này được Trung Quốc điều chỉnh thành "đường 9 đoạn" (bỏ 2 đoạn nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ). 

Đấu tranh hiệu quả trước yêu sách đường lưỡi bò - Ảnh 1.

“Đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc

"Đường 9 đoạn" này xuất phát từ biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, chạy xuống phía Nam tương tự như hình dáng của bờ biển Đông và Đông Nam Việt Nam và sau đó chạy ngược lên phía Bắc theo hướng song song với bờ biển phía Tây Sabah của Malaysia và Palawan, quần đảo Luzon của Philippines, kết thúc tại khoảng giữa eo biển Bashi (Ba Sĩ) nằm giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.

Dưới góc nhìn lịch sử, Trung Quốc luôn khẳng định đã đặt tên cho các thực thể ở biển Đông từ thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh việc Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh Việt Nam đã quản lý hiệu quả hai quần đảo này từ thời kỳ phong kiến. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính hai quần đảo này trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến.

Dưới góc nhìn pháp lý, yêu sách "đường lưỡi bò" có nội dung rất mập mờ và không có căn cứ pháp lý rõ ràng. Trên thực tế, từ khi xuất hiện cho đến nay, Trung Quốc cũng không có một văn bản cũng như lời giải thích cụ thể nào về bản chất pháp lý của yêu sách này cho cộng đồng quốc tế. Vì vậy, rất khó để xác định dựa trên căn cứ nào để Trung Quốc đưa ra yêu sách các quyền cũng như chủ quyền hay quyền tài phán đối với các vùng biển trong khu vực biển Đông.

Sau thất bại trong cuộc chiến pháp lý giữa Philippines tại Tòa Trọng tài quốc tế, các học giả Trung Quốc đưa ra một học thuyết mới đó là học thuyết "Tứ Sa"  cho rằng "đường lưỡi bò" là một đường biên giới biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này lại trái với quy định tại điều 2 của Công ước Liêp Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, quy định ranh giới ngoài của lãnh hải không được vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở do quốc gia xác định không được trái với quy định của công ước này. 

Có thể thấy rõ rằng yêu sách "đường lưỡi bò" được đưa ra một cách đơn phương, không dựa trên thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào. Bên cạnh đó, "đường lưỡi bò" không có tính ổn định và dứt khoát mà thay đổi liên tục theo thời gian. Trong khi đó, các phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế chỉ rõ đặc tính quan trọng nhất của đường biên giới biển là tính ổn định và dứt khoát.

Tại hội nghị San Francisco tháng 9-1951 với sự tham gia của 51 quốc gia, các quốc gia đã khước từ đề nghị trao trả Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thực tế cho đến nay, cộng đồng quốc tế chưa bao giờ lên tiếng thừa nhận yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Xem xét dưới hai góc độ lịch sử và pháp lý, có thể thấy rằng, yêu sách "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc chỉ là yêu sách đơn phương, mang tính tùy tiện, không có cơ sở lịch sử và pháp lý, nội dung yêu sách không phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế.

Kiên định bảo vệ chủ quyền

Trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông cũng như nhận thức rõ được âm mưu và thủ đoạn muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện cơ bản chiến lược bảo đảm chủ quyền, an ninh, đồng thời duy trì được quan hệ đối ngoại tự chủ, không bị lôi kéo vào các tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn. Bằng các hoạt động linh hoạt nhưng kiên quyết, Việt Nam đã giữ được môi trường hòa bình, không xung đột với Trung Quốc; đồng thời bảo vệ được chủ quyền trên các thực thể đang giữ ở Trường Sa, duy trì chủ quyền danh nghĩa ở Hoàng Sa trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động ở biển Đông với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Đấu tranh hiệu quả trước yêu sách đường lưỡi bò - Ảnh 2.

Tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt

Bằng những giải pháp đồng bộ và có hiệu quả, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định trong khu vực, Việt Nam đã cơ bản bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó, một trong những giải pháp được đánh giá hiệu quả và đang là ưu tiên hàng đầu trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay là hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, bởi mỗi ngư dân, mỗi tàu cá ra khơi là chúng ta lại có thêm những "cột mốc chủ quyền sống" trên biển.

Thực tế cho thấy rằng, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển không chỉ có các lực lượng chuyên trách như: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Biên phòng... mà còn có sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mà trực tiếp là ngư dân vừa đánh bắt trên biển vừa góp phần làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Để hỗ trợ ngư dân, chúng ta cần tập trung vào thực hiện đồng bộ và có hiệu quả những giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết, văn bản pháp lý về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn liền với phát triển kinh tế biển. Trong đó, trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cần cụ thể hóa những quy định trong nghị quyết này bằng những văn bản pháp lý, hành chính có tính thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, thực hiện theo nghị quyết, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều những giải pháp để giúp ngư dân yên tâm bám biển, như: cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi để đóng tàu thuyền và trang bị các phương tiện hiện đại hơn khi ra khơi. Để những giải pháp này phát huy được tối đa hiệu quả hơn nữa thì cần thực hiện đồng bộ hơn giữa cơ quan trung ương với địa phương, giữa các tỉnh, thành phố ven biển với nhau. Ngoài ra, có thể xã hội hóa, kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển gắn với việc phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững.

Đấu tranh hiệu quả trước yêu sách đường lưỡi bò - Ảnh 3.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tiếp cận tàu cá và thuyền viên gặp nạn trên biển

Thứ hai, tăng cường hơn nữa các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng thực thi pháp luật tại các khu vực vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là giải pháp không chỉ giúp chúng ta phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, mà qua đó để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, nhất là các vùng biển tranh chấp. Ngoài ra, sự hiện diện của các cơ quan chấp pháp Việt Nam trên biển sẽ là "điểm tựa" cho ngư dân yên tâm khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam.


Đấu tranh hiệu quả trước yêu sách đường lưỡi bò - Ảnh 4.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tặng quà, cờ Tổ quốc cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng

Thứ ba, nâng cao hiệu quả và đa dạng hình thức tuyên truyền để mỗi ngư dân khi ra khơi đều nắm được những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc đối với biển Đông và những quy định về việc khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam. Duy trì và tổ chức có hiệu quả hơn nữa các hoạt động đồng hành cùng với ngư dân trong đó có mô hình: "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực. Thời gian tới, cần đổi mới, sáng tạo hơn về nội dung, hình thức tổ chức của mô hình này, phù hợp với từng đối tượng, địa phương, đặc biệt là hướng tới những điều ngư dân cần.

Biển Đông luôn nằm trong tiềm thức của ngư dân Việt Nam, biển Đông là nơi họ mưu sinh, nơi tạo ra miếng cơm, manh áo, cuộc sống đủ đầy từ bao đời nay. Việc hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển không những giúp ngư dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu mà còn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, để lá cờ của Tổ quốc luôn phấp phới trên những con tàu của ngư dân ta trên biển Đông.




Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo