Trước hành động ngang ngạnh của Trang Trần, tôi đã viết bài "Hành xử thiếu văn hóa" gửi mục Tôi lên tiếng trên Trang Bạn đọc Báo Người Lao Động.
Sáng sớm 28-2-2015, mở mạng vào nld.com.vn, tôi thực sự xúc động khi dòng tít "Hành xử thiếu văn hóa" hiện lên trước mắt. Tôi tự vấn: "Mình là sĩ quan hải quân, am hiểu về biển đảo, tại sao không viết về hoạt động hải quân, về Trường Sa, DK1?". Lúc đó, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 tổ chức lễ ra quân huấn luyện tập trung tại Quân cảng Căn cứ 696 ở Đồng Nai, tôi liền xách máy ảnh, khoác ba-lô, dắt xe máy lên đường.
Sau khi chộp những tấm ảnh ở các góc độ "độc" với lăng kính của một sĩ quan hải quân, tôi mở máy tính gõ tin"Huấn luyện tốt để bảo vệ biển đảo". Đúng lúc đó, chiếc máy tính cũ kỹ của tôi trở chứng hết nguồn. Tôi xách máy tính chạy đi tìm ổ điện, khởi động lại máy và bắt đầu gõ nhưng điện bỗng dưng cúp, trong khi tin chưa kịp lưu. Vậy là công toi cả buổi hì hục. Nhưng tôi vẫn không nản lòng, kiên nhẫn chờ có điện, viết xong bản tin kèm theo tấm ảnh "độc" gởi Báo Người Lao Động mới về nhà.
Tác giả Mai Thắng (thứ hai từ phải sang) trao đổi với các chiến sĩ vệ binh Lữ đoàn Tàu săn ngầm 171 Ảnh: Bùi Thanh Hưng
5 giờ sáng hôm sau, tôi vượt 11 km bằng xe máy từ nhà riêng đến Ngã tư Giếng Nước, TP Vũng Tàu để mua tờ Người Lao Động. Tay run run mở tờ báo đọc bản tin "Huấn luyện tốt để bảo vệ biển đảo" mà lòng tôi dâng trào cảm xúc. Thực lòng mà nói, tôi xúc động vì thấy Báo Người Lao Động rất quan tâm đến vấn đề biển đảo hơn là bản tin của mình được đăng tải. Cả ngày hôm ấy, tôi lâng lâng khó tả, niềm vui tuôn chảy trong tim.
Những ngày sau đó, lực lượng Hải quân Vùng 2 có nhiều sự kiện hoạt hoạt động ngoài biển đảo. Tôi tự hỏi "tại sao không viết tin bài cho Người Lao Động?" rồi tự trả lời: Hãy viết từ trái tim mình, từ niềm đam mê với ý thức "truyền lửa", đưa chuyện biển đảo và hình ảnh chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió đến bạn đọc mà Báo Người Lao Động là "mảnh đất" để tôi gửi gắm niềm tin.
Tôi liền gửi hàng loạt tin bài, hình ảnh cho Người Lao Động. Những tin bài được tòa soạn chọn đăng có sức lan tỏa mạnh mẽ như: "Chuyện người lính 5.000 ngày xây đảo Trường Sa", "Mẹ ơi, Tết này con ở Trường Sa"…, cả những đề tài gai góc, tế nhị như: "Đắng lòng những người có H", "Đừng bắt con phải chở ước mơ của bố mẹ"…
Từng làm nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1 liên tục 11 năm; đã đặt chân trần trên sỏi đá và nhiều lần "bốn cùng" với các thế thệ cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa…, tôi được Báo Người Lao Động "chọn mặt gửi vàng" làm cộng tác viên chuyên viết về biển đảo. Có thể nói, biển đảo thân thương chính là nhịp cầu đưa tôi đến với Báo Người Lao Động và ngược lại.
Một dịp gặp gỡ trung tá Nguyễn Văn Long, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Tàu săn ngầm 171, tôi hỏi: "Đồng chí cảm nhận thế nào về chương trình " Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động", anh trả lời ngay: "Đây là chương trình không chỉ có hiệu ứng xã hội lan tỏa rộng rãi, tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân đánh bắt xa bờ mà còn khẳng định cờ Tổ quốc luôn đồng hành cùng bà con, khẳng định tàu cá của ngư dân ta ở đâu thì chủ quyền Việt Nam ở đó. Đồng thời, tuyên bố với thế giới rằng ngư dân Việt Nam có quyền khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển Việt Nam, trên lãnh thổ của mình".
Phát biểu của trung tá Nguyễn Văn Long đã được Người Lao Động đăng tải trên số báo ra ngày 18-9-2019.
___________
(*) Trung tá Mai Văn Thắng hiện công tác tại Phòng Tham mưu, Lữ đoàn Tàu săn ngầm 171 - Vùng 2 Hải quân.
Khát vọng "truyền lửa"
Tôi đến với Báo Người Lao Động như một lẽ tự nhiên với tư cách là cán bộ tuyên huấn để "truyền lửa biển đảo", để chuyển tới bạn đọc những thông tin chính xác, mới nhất, sinh động nhất về hoạt động của bộ đội Hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu Tổ quốc - trọng điểm là cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Khi "truyền lửa biển đảo", mong mỏi của tôi là để bạn đọc hiểu rằng có cuộc sống thanh bình ở đất liền lâu nay thì ngoài hải đảo xa xôi, hàng vạn người lính biển đang gồng mình với khó khăn gian khổ và thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng tư.
Bình luận (0)