xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phía sau một triệu lá cờ Tổ quốc

LÊ CƯỜNG

Đó là nỗ lực, đó là những tấm lòng, đó là sự hy sinh... đã vun đắp cho sự thành công của chương trình

"Nhanh - hay - chính xác - trách nhiệm - nhân văn" là tiêu chí mà Báo Người Lao Động kiên định thực hiện. Trong đó, yếu tố "trách nhiệm" được Ban Biên tập xác định không chỉ là "với bạn đọc" qua từng bài viết, con chữ mà còn là "với đất nước, xã hội" bằng những chương trình sau mặt báo.

VÌ SAO LÀ CỜ TỔ QUỐC? Kể từ ngày Trung Quốc gây ra sự kiện đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây phản ứng bất bình trong dư luận quốc tế và khu vực. Chưa dừng lại, liên tiếp những năm sau đó và thời gian gần đây, các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông vẫn tiếp diễn.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh hiện nay luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề sống còn, thiêng liêng.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển các lĩnh vực kinh tế biển nhưng cũng phải kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vậy trách nhiệm của người làm báo trong vấn đề thời sự này là gì?

Sau nhiều tháng tìm tòi ý tưởng, bàn bạc, lên kế hoạch, ngày 1-6-2019, Ban Biên tập Báo Người Lao Động chính thức phát động và thực hiện chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" tại tỉnh Bạc Liêu - nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Phía sau một triệu lá cờ Tổ quốc - Ảnh 1.

Ban Biên tập Báo Người Lao Động kiểm tra chi tiết chất liệu vải, từng đường chỉ may trên cờ Tổ quốc (bản mẫu) trước khi triển khai may hàng loạt để tặng ngư dân Ảnh: QUỐC HY

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao là cờ Tổ quốc và ngư dân, mà không phải là những thứ khác và lực lượng khác?

Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam không chỉ đơn thuần là những hành trình khai thác đánh bắt hải sản. Hình ảnh mỗi tàu, thuyền đánh cá của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Việc tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân là cách góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, giúp ngư dân làm chủ ngư trường.

Mục đích, ý nghĩa của chương trình đã được Ban Biên tập xác định ngay từ đầu.

Chưa hết, một việc tưởng đơn giản nhưng lại tốn khá nhiều chất xám, thời gian của Ban Biên tập: Mua cờ hay may cờ? Chọn vải chất liệu gì, phi mờ loại cao cấp hay phi bóng cao cấp? Vải chất liệu phi mờ có ưu điểm màu sắc in rất đẹp, rõ nét, lá cờ chắc chắn nhưng lại có nhược điểm là tương đối nặng, khó bay. Ngược lại, vải phi bóng cao cấp lại nhẹ hơn, dễ bay hơn, màu sắc cũng đẹp và có độ bền tương đối cao, phù hợp với gió biển và hơi nước có vị mặn.

So sánh, phân tích, thậm chí tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia trong ngành may mặc, sau cùng, Ban Biên tập quyết định chọn loại vải phi bóng, đặt may chứ không mua. Bởi chất lượng lá cờ là tiêu chí được đặt lên hàng đầu.

MIỆT MÀI NHỮNG CHUYẾN ĐI. Kể từ ngày phát động 1-6-2019 đến đầu năm 2020, những người thực hiện chương trình của Báo Người Lao Động đã rong ruổi qua 13 tỉnh, thành có biển và 2 tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, trải dài khắp cả nước. Ở mỗi chuyến đi đều để lại nhiều kỷ niệm khó quên, những khoảnh khắc đáng nhớ; trong đó chứa đựng sự vất vả, những giờ phút căng thẳng, những vết thương trên cơ thể và cả những giọt nước mắt hạnh phúc…

Đó là chuyến đi từ TP HCM ra TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bằng ôtô để chuyển 10.000 lá cờ Tổ quốc ra tặng ngư dân tỉnh này, trong khuôn khổ hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung tổ chức ngày 20-8-2019. Tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trao cờ cho ngư dân tỉnh Bình Định.

1.600 cây số di chuyển ra và vào trong 4 ngày; ban đêm mệt quá thì nghỉ dọc đường. Có thể nói, với các thành viên trong đoàn, chuyến đi là hành trình không thể nào quên.

Đó là hành trình TP HCM - Bạc Liêu - Cà Mau - TP HCM bằng ôtô của cơ quan. Ở chuyến đi này đoạn đường tuy ngắn hơn nhưng "sự cực" không thua kém. Sau khi trao 5.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bạc Liêu nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tham dự và tận tay trao cờ cho ngư dân. Chương trình kết thúc. Đoàn tức tốc di chuyển xuống Cà Mau để chuẩn bị cho lễ trao cờ và chào cờ tại Mũi Cà Mau - điểm cực Nam Tổ quốc, ngay trong hôm sau.

Hoàn tất công việc, cả đoàn lại lên xe di chuyển một mạch 400 cây số về lại TP HCM, để kịp thời gian chuẩn bị cho hành trình tiếp theo về với bà con ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Trên xe, ai cũng thiếp đi, trừ anh tài xế!

"Xuống biển" rồi lại "lên rừng". Miệt mài không ngơi nghỉ. Không ai có thể quên chuyến hành trình về với Cột cờ quốc gia Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) vào ngày 16-10-2019.

Đoàn tập kết tại thị trấn Đồng Văn từ tối hôm trước. 5 giờ sáng, đoàn khởi hành để kịp lịch hẹn với lãnh đạo Đồn Biên phòng Lũng Cú. Nhìn qua cửa ôtô, tầm mắt bị cắt ngang bởi sương mù dày đặc, mọi người không ai bảo ai nhưng thầm mong lên đến nơi, sương mù sẽ tan, gió bớt rít để lễ thượng cờ diễn ra suôn sẻ.

Chưa đến Đồn Biên phòng Lũng Cú, từ xa, chúng tôi thấy khá đông cán bộ, chiến sĩ đã có mặt để đón đoàn. Trao đổi nhanh về chương trình, 7 giờ 30 phút, chúng tôi được xe chuyên dụng đưa đến chân cột cờ, để leo bộ.

Leo bộ thì có thể nhưng "hành lý" là hàng trăm lá cờ Tổ quốc, ảnh Bác và đặc biệt là lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, được bao bọc kỹ lưỡng trong những thùng giấy - khá nặng - làm sao có thể đưa lên đỉnh?

Vậy mà, toàn bộ "hành lý" đã được các thành viên trong đoàn thay nhau vác trên vai - không phân biệt nam hay nữ - chinh phục Cột cờ quốc gia Lũng Cú với 839 bậc thang sau 30 phút. Họ không phải là vận động viên leo núi, mà là những người quen làm việc văn phòng, quen với công việc của phóng viên, biên tập viên...

Mặt trời vẫn bị mây che khuất, cái lạnh nổi tiếng ở điểm cực Bắc Tổ quốc vẫn bám vào da thịt, vậy mà các thành viên trong đoàn ai cũng nóng ran người, mồ hôi ướt đẫm. Và, mọi mệt mỏi dường như tan biến khi ngay trên đỉnh núi, hơn 50 bà con đồng bào dân tộc ở xã Lũng Cú cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã có mặt từ bao giờ để tham dự lễ thượng cờ, trong đó có nhiều cụ tuổi đã ngoài 70. Họ háo hức, chờ đợi giây phút được đứng trang nghiêm dưới chân cột cờ và ngước nhìn lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tung bay trong gió, rồi cùng hát vang Quốc ca.

"Tự hào lắm, thiêng liêng lắm!" - thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú, xúc động phát biểu tại lễ chào cờ, khiến chúng tôi nhớ mãi.

Những mẩu chuyện được nêu không phải là "kể lể", mà để thầm cảm ơn họ - những ngư dân, những chiến sĩ công tác tại các đồn biên phòng, ngoài đảo xa. Họ là chất xúc tác, là niềm cảm hứng để những người thực hiện chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động tiếp tục cuộc hành trình, hoàn thành sứ mệnh mà bạn đọc giao phó: hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, giúp ngư dân làm chủ ngư trường, bảo vệ chủ quyền! 

Những chuyện không kể... sẽ tiếc

Trong lần tổ chức trao cờ tại tỉnh Bạc Liêu, Chi cục Thủy sản của tỉnh lãnh nhiệm vụ hỗ trợ ban tổ chức mời ngư dân tiêu biểu đại diện bà con ngư dân lên nhận cờ. Không biết nội dung truyền đạt thế nào mà trong 20 ngư dân tiêu biểu được mời, có 4 chị là chủ tàu cá, cặm cụi trang điểm từ đêm hôm trước, thuê hẳn ôtô 4 chỗ ngồi, khởi hành lúc 4 giờ sáng từ thị trấn Gành Hào lên TP Bạc Liêu để có mặt lúc 6 giờ theo lịch hẹn. Đến nơi, gặp mặt, cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu "tá hỏa" khi trước mặt mình là 4 phụ nữ cực kỳ lộng lẫy - 2 chị mặc áo dài đỏ rực, 1 chị mặc đầm, 1 chị khoác vest. Lúng túng không biết ứng xử thế nào, các đồng chí ấy nhờ người của Báo Người Lao Động đứng ra thuyết phục. Sau 15 phút tỉ tê, các chị đồng ý "thay đổi nhẹ" để phù hợp với khung cảnh buổi lễ. Kết thúc lễ trao cờ, các chị điện thoại nằng nặc mời ban tổ chức dùng cơm trưa và hẹn khi nào có dịp về Gành Hào, các chị sẽ lo tất tần tật.

Chuyến trao cờ Tổ quốc cho ngư dân đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng đầy kỷ niệm. Đã quen với lối sống đơn giản, chân chất nên khi cận lễ diễn ra, ban tổ chức đề nghị thay áo đồng phục chương trình, các ngư dân cứ thế "xõa" giữa sân, mời vào hậu đài thay áo cho kín đáo thì các anh bảo "có mấy cô văn công nhìn, dị lắm!". Có anh chẳng bao giờ mặc quần dài, khi ban tổ chức thuyết phục rằng mặc áo có cờ Tổ quốc mà mang quần cụt thì không trang nghiêm... Lúc đấy, các anh mới ngượng ngùng điện thoại về nhà... nhờ vợ mang quần dài tới.

Hơn 300.000 lá cờ Tổ quốc và hàng chục ngàn túi thuốc y tế đã được trao và ký kết trao cho ngư dân và đồng bào sống dọc biên giới trên bộ ở khắp mọi miền của Tổ quốc.

Những người thực hiện chương trình đã có hơn 30 chuyến đi, miệt mài qua hơn 18 tỉnh - thành với hàng chục ngàn cây số.

Hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… trong và ngoài nước đã ủng hộ, đồng hành với chương trình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo