Bóng đá Việt Nam đang từng bước chuyên nghiệp hóa bằng cách cố gắng nâng chất lượng chuyên môn ở những giải đấu quốc nội. Từ giải trẻ cho đến V-League, cầu thủ đều được nâng tầm trình độ, tăng chế độ đãi ngộ và không còn lo nghĩ đến chuyện "cơm áo gạo tiền" nếu vẫn gắn với nghiệp quần đùi áo số.
Từ án lớn ở Giải Hạng nhất
Nhưng đầu năm 2024, làng túc cầu Việt Nam sục sôi với thông tin 5 cầu thủ của CLB Bà Rịa - Vũng Tàu bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố bị can về hành vi đánh bạc theo Điều 321, Bộ Luật Hình sự. Đáng nói, hành vi bán độ của nhóm 5 cầu thủ CLB Bà Rịa - Vũng Tàu này rất tinh vi khi chủ động đặt cược ở trận đấu của đội nhà. Cụ thể, 5 cầu thủ sinh từ năm 1994 đến 2004 này đã bàn bạc và cược tiền trên các website cá độ bóng đá với kết quả phần thắng thuộc về CLB SHB Đà Nẵng trong trận đấu với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những cầu thủ này sau đó thi đấu dưới sức và khiến đội nhà thua chung cuộc với tỉ số 1-3 ở Giải Hạng nhất quốc gia 2023-2024 diễn ra vào ngày 24-12-2023.
Dấu hiệu nhúng chàm của nhóm cầu thủ Bà Rịa - Vũng Tàu bị dư luận chỉ trích vì sự quản lý không chặt chẽ của ban lãnh đạo, ban huấn luyện đội bóng dù khi tiếp nhận thông tin từ phía cơ quan chức năng, ban lãnh đạo CLB khẳng định luôn quyết liệt chống tiêu cực và chấm dứt hợp đồng lao động với các cá nhân sai phạm theo quy định. LĐBĐ Việt Nam (VFF) trước mắt cũng treo giò vô thời hạn với 5 cầu thủ này.
Có bằng chứng phải xử mạnh tay
Tại Giải Hạng nhì quốc gia 2024, CLB Tây Nguyên Gia Lai mới đây cũng bị VFF nhắc nhở vì thái độ thi đấu hời hợt, có dấu hiệu tiêu cực. Đây là những kết luận được rút ra sau khi giám sát trận đấu, ban chuyên môn của VFF tiến hành phân tích, mổ băng những trận đấu của CLB Tây Nguyên Gia Lai.
Nhiều ý kiến cho rằng việc mua bán độ, dàn xếp tỉ số xuất hiện ở những giải đấu hạng thấp vì ít được truyền thông và khán giả quan tâm, ban tổ chức cũng chưa siết chặt quản lý.
Nói về việc phòng chống tiêu cực trong bóng đá, Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú khẳng định: "VFF khẳng định kiên quyết loại trừ tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá Việt Nam và luôn đặc biệt chú trọng xây dựng nền bóng đá phát triển bền vững và trong sạch. Trước mỗi mùa giải, Ban Tổ chức giải đều yêu cầu các CLB và các thành viên tham gia giải ký cam kết phòng chống tiêu cực. Trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp được bổ sung sửa đổi hằng năm, quy định kỷ luật, cũng như điều lệ giải đều có quy định về phòng chống tiêu cực".
Phân tích về hành vi bán độ của cầu thủ, nhiều chuyên gia cho rằng việc quản lý, tăng cường đạo đức nghề nghiệp từ CLB chưa đủ tốt là nguyên nhân dẫn đến những bản án trong bóng đá. "Hiện có quá ít các cơ sở đào tạo bài bản như PVF, HAGL, Viettel, Hà Nội… Những cơ sở đào tạo bóng đá học đường mới chỉ dẫn cho các em cụ thể về pháp luật, về những điều kể trên. Chúng ta nên nhìn vào đó để thấy rằng phải bổ sung cho các em về tất cả, về cả kiến thức lẫn chuyên môn để các em trước khi trở thành một cầu thủ tốt thì cũng trở thành công dân tốt" - chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương phân tích.
HLV, cựu tuyển thủ N.T.P nhận định: "Nói tiêu cực nhìn chung phải có bằng chứng để xét xử rõ ràng. Trên thế giới không có việc nghi ngờ về thái độ thi đấu mà cần bằng chứng và xử lý triệt để. Vấn đề này có từ lâu, quan trọng là cơ quan chức năng, cá nhân liên quan phải mạnh dạn xử lý khi tình trạng xảy ra nhiều. Chúng ta cần làm triệt để, điều tra xác minh những vấn đề làm ảnh hưởng bóng đá Việt Nam".
Cải thiện thu nhập cho cầu thủ
Theo một cựu tuyển thủ Việt Nam, việc cầu thủ dàn xếp, bán độ - tội nặng nhưng cần nhìn một khía cạnh khác - đội bóng có bảo đảm lương, thưởng và làm tròn trách nhiệm với cầu thủ của họ chưa? Phải xem HLV có đấu tranh cho học trò, bảo vệ họ chưa vì bóng đá cũng là nghề kiếm sống nuôi bản thân và gia đình.
Một số chuyên gia cũng phân tích vì thu nhập thấp và không ổn định khiến một bộ phận cầu thủ ở các giải hạng thấp có suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến phạm tội. Thu nhập, mức lương của các cầu thủ Việt Nam được chia ra nhiều khung khác nhau, phụ thuộc vào các CLB mà họ tham gia. Đội bóng nhận mức tài trợ lớn thì lương, thưởng của cầu thủ cũng sẽ khá hơn.
Thống kê trong năm 2023 cho thấy mức lương của những cầu thủ kỳ cựu Việt Nam rơi vào khoảng 35 đến 38 triệu đồng/ tháng. Mức lương tháng, thưởng từng trận và các chế độ đãi ngộ của cầu thủ Giải Hạng nhất trung bình vào khoảng 20-25 triệu đồng/tháng.
Tại Việt Nam, các giải đấu hạng dưới thậm chí là V-League, lương thưởng là nguồn sống của cầu thủ nhưng ít được bảo đảm. Số ít cầu thủ gặp khó khăn khi đội bóng nợ hoặc chậm lương - thưởng kéo dài. Cầu thủ phải đi vay - mượn và khi túng quẫn họ làm liều, dù đó cũng chỉ là số ít vì nếu đội bóng, cầu thủ cống hiến hết mình thì người hâm mộ và nhà tài trợ sẽ không quay lưng với họ, với bóng đá.
Các chuyên gia đề nghị những hành vi gian lận tuổi ở các giải nhi đồng, giải trẻ quốc gia cũng cần loại bỏ triệt để. Nếu VFF nương tay - cấm một thời gian ngắn rồi cho các đối tượng này trở lại, chẳng khác nào mở ra con đường không tốt ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam.
Tận dụng công nghệ mạnh mẽ hơn
Một cựu tuyển thủ Việt Nam nhận định thêm về công nghệ VAR rằng hiện V-League chưa có đủ về góc quay, hạ tầng công nghệ và sân bãi. Nếu có những góc quay rõ ràng hơn, trọng tài hay cầu thủ cũng không dám làm bậy.
Bài học của cựu tuyển thủ
Từng rơi cảnh lao lý vì dính tiêu cực trong bóng đá, cựu tuyển thủ N.T.L.G rất ân hận với những quyết định sai trái khiến sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp sớm chấm dứt.
"Tôi rất buồn và thất vọng khi chứng kiến các đồng đội thi đấu trong lúc mình bị cấm hành nghề. Đó là khoảng thời gian khó khăn, không được theo đuổi đam mê vì thiếu hiểu biết, thiếu tỉnh táo. Vì vậy, tôi khuyên các đàn em cần suy nghĩ thấu đáo, đừng vì lợi ích cá nhân mà tự hủy hoại sự nghiệp, bán đứng người hâm mộ - những người góp phần mua vé - trả lương cho các thành viên đội bóng. Đừng mắc sai lầm để rồi phải hối hận suốt đời" - trung vệ từng khoác áo các đội tuyển Việt Nam và CLB V-League nhắn nhủ.
Bình luận (0)