Hôm nay, 27-9, kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra với nhiều nội dung quan trọng.
Nhiều kế hoạch gần gũi đời sống
Bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM, cho biết kỳ họp này sẽ xem xét các tờ trình của UBND TP HCM.
Cụ thể, đó là tờ trình về quy định mức hỗ trợ đặc thù chi hoạt động thường xuyên cho ngành KSND thành phố, ngành TAND thành phố, ngành thi hành án dân sự thành phố và Sở Ngoại vụ; quy định tỉ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các đơn vị có số thu lớn do Sở Y tế quản lý; quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn.
Ngoài ra, còn tờ trình về hỗ trợ lãi vay cho các dự án, phương án đã được UBND TP HCM phê duyệt tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM nhưng chưa được bố trí kinh phí. Các nội dung về bổ sung dự toán thu, chi ngân sách TP HCM năm 2024; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2024; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư các dự án… cũng được đưa vào kỳ họp này.
Bước đi tất yếu
Đáng chú ý, tại kỳ họp, UBND TP HCM sẽ trình Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Theo UBND TP HCM, triển khai "Mô hình Bộ phận Một cửa hiện đại", thành phố đang có 352 Bộ phận Một cửa các cấp, gồm 18 cấp sở, 22 cấp huyện và 312 cấp xã.
Hoạt động Bộ phận Một cửa đạt được những kết quả nhất định nhưng còn một số hạn chế. Từ đó, yêu cầu đặt ra là mạnh dạn đổi mới để phù hợp xu hướng quốc tế và khu vực cũng như thực tiễn công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Việc triển khai thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công vì thế là bước đi tất yếu. Hoạt động của trung tâm giúp nâng cao chất lượng giải quyết TTHC; tăng cường chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và không phân biệt địa giới hành chính khi thực hiện giải quyết TTHC.
Trung tâm giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP HCM. Trung tâm này còn góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa "truyền thống"; tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng... có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của TP HCM.
Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Việc hình thành Trung tâm Phục vụ hành chính công TP HCM trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Định hướng là tập trung thành lập tổ chức bộ máy, ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ; xây dựng khung quản trị nội bộ. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Bắt đầu triển khai hoạt động thí điểm trên toàn địa bàn TP HCM với 3 cấp: thành phố, huyện và xã. Bộ máy trong giai đoạn 1 được giữ nguyên và dự kiến thành lập các chi nhánh, điểm tiếp nhận. Biên chế làm việc tại các chi nhánh, điểm tiếp nhận trong giai đoạn 2 là 2.425, đưa tổng nhân sự làm việc tại trung tâm là 2.482 (bao gồm 57 biên chế trong giai đoạn 1).
Năm nguyên tắc tổ chức hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy công nghệ thông tin làm công cụ, chuyển đổi số là phương thức; bảo đảm tiếp nhận hồ sơ TTHC "phi địa giới hành chính"; đổi mới toàn diện, triệt để, thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn; tuân thủ các quy định, chỉ đạo của trung ương.
Giai đoạn 3: Trung tâm tổ chức và hoạt động trên toàn địa bàn TP HCM cũng với 3 cấp. Về cơ bản, giữ nguyên tổ chức bộ máy trong giai đoạn 2; thực hiện rà soát, sắp xếp, tinh gọn các điểm tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa cấp xã. Toàn bộ 23/23 chi nhánh tiếp nhận TTHC 3 cấp. Biên chế của trung tâm trong giai đoạn 3 không tăng.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan thông tin việc hình thành Trung tâm Phục vụ hành chính công là thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về cải cách hành chính. Theo đó, TP HCM là 1 trong 4 địa phương thực hiện thí điểm. Ba địa phương còn lại là Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh.
Theo ông Võ Văn Hoan, bản chất của trung tâm là phục vụ hành chính công chứ không phải chỉ giải quyết hành chính công thuần túy. TP HCM sẽ có trung tâm một cấp, tức chỉ có một trung tâm phục vụ hành chính công, áp dụng hệ thống quản trị trên mạng để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện TTHC công cho người dân của các cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Người dân ở đâu cũng được phục vụ.
Ông Võ Văn Hoan cho biết TP HCM sẽ làm từng bước, cẩn trọng vì tác động đến người dân cũng như tránh xảy ra sai sót và "việc này chỉ bàn để làm chứ không bàn lùi".
Hơn 2 năm thí điểm
Trung tâm Phục vụ hành chính công TP HCM là cơ quan hành chính thuộc UBND TP HCM (cơ quan ngang sở), trụ sở đặt tại số 86 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1. Trong quá trình triển khai đề án, trụ sở có thể chuyển về số 16 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3.
Đầu tháng 10-2024, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP HCM ra mắt. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ ngày 1-10-2024 đến 31-12-2026.
Bình luận (0)