Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học Nutrients đã đánh giá mối tương tác có thể có giữa tình trạng viêm, lượng carbohydrate nạp vào - chủ yếu thông qua tinh bột - và sự phát triển của bệnh tim mạch - xơ vữa động mạch
Nhóm tác giả từ Đại học Harokopio, Bệnh viện Hippokration, Đại học Ioannina và Bệnh viện Đa khoa Laiko (Hy Lạp) phát hiện ra rằng không phải số lượng mà là chất lượng tinh bột tiêu thụ sẽ quyết định vấn đề.
Carbohydrate - tình trạng viêm - bệnh tim mạch có mối quan hệ chồng chéo.
Viêm mạn tính ảnh hưởng đến sự phát triển của xơ vữa động mạch, thường liên quan đến nồng độ interleukin-6 (IL-6), protein phản ứng C (CRP) và yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α) tăng cao.
Những dấu hiệu viêm này cũng liên quan đến hội chứng chuyển hóa và tình trạng kháng insulin, mà hai vấn đề này cũng tác động đến các bệnh tim mạch.
Mặc dù vai trò của carbohydrate trong quá trình tiết insulin và lưu trữ chất béo đã được ghi chép đầy đủ, nhưng mối liên hệ trực tiếp với tác động gây viêm vẫn chưa được xác định.
Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng chế độ ăn ít carbohydrate có liên quan đến việc giảm nhiều hơn mức độ dấu hiệu viêm so với chế độ ăn ít chất béo. Nhưng các bằng chứng vẫn chưa rõ ràng.
Trong nghiên cứu mới, các tác giả đã xem xét dữ liệu của hơn 3.000 người Hy Lạp không mắc bệnh tim mạch, tình trạng viêm mạn tính hoặc ung thư từ trước.
Trong suốt thời gian theo dõi 20 năm, 36% người nhóm nghiên cứu đã trải qua các biến cố tim mạch gây tử vong hoặc không tử vong.
Trong số các biến cố này, 71,7% là bệnh tim mạch vành - một vấn đề dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim - và 4,3% là đột quỵ. 24% còn lại bao gồm suy tim, bệnh động mạch ngoại biên và bệnh động mạch chủ.
Tỉ lệ tử vong do các vấn đề tim mạch trong 20 năm ở nhóm này lần lượt là 7,3% và 1,8% ở nam và nữ.
Những người mắc bệnh tim mạch biểu hiện mức độ dấu hiệu viêm cao hơn đáng kể. Những người là nam giới, lớn tuổi, béo phì, có tiền sử tăng huyết áp, tăng cholesterol máu hoặc tiểu đường cũng có nguy cơ cao hơn.
Đáng chú ý, các kết quả cho thấy lượng carbohydrate tiêu thụ không liên quan đến nguy cơ gặp các biến cố tim mạch, mà là việc tiêu thu nhiều carbohydrate từ ngũ cốc tinh chế.
Ngũ cốc tinh chế là là các loại ngũ cốc đã trải qua quá trình xay xát để loại bỏ cám và mầm. Chúng bao gồm: Gạo trắng, bánh mì trắng, mì trắng, các loại bánh từ bột mì tinh chế...
Trái lại, việc ăn ngũ cốc nguyên hạt (ngũ cốc nguyên cám) giúp giảm rõ rệt nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch nguy hiểm.
Ngũ cốc nguyên hạt là những loại hạt ngũ cốc chỉ loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài, giữ lại toàn bộ phần bên trong hạt cũng như chất dinh dưỡng, bao gồm nhiều vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa có lợi.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt phổ biến có thể kể đến là: Gạo lứt, yến mạch, bánh mì nâu (bánh mì nguyên cám), bánh mì lúa mạch đen, các loại mì, nui, bánh... làm từ lúa mì hay lúa mạch nguyên cám.
Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia vẫn là bạn nên ăn uống cân bằng các thành phần theo tháp dinh dưỡng, không nên kiêng tinh bột quá đáng vì carbohydrate là nguồn năng lượng quan trọng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt làm nguồn tinh bột chính sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch nguy hiểm khác.
Bình luận (0)