Nhóm nghiên cứu từ Đại học Y khoa Ôn Châu (Trung Quốc) đã tuyển chọn hơn 3.300 tình nguyện viên từ 45 tuổi trở lên, chia làm 3 đợt. Họ được đánh giá chi tiết cách ngủ: Thời lượng ngủ mỗi đêm, mức độ ổn định của giấc ngủ.
Các tình nguyện viên được theo dõi trong thời gian trung bình 5 năm và kiểm tra sức khỏe để xem có "lão hóa thành công" hay không.
Kết quả cho thấy cách ngủ ảnh hưởng rất lớn đến cách mà cơ thể họ thay đổi khi tuổi ngày càng lớn.
Những người tham gia được chia thành 5 nhóm dựa trên thói quen ngủ của họ trong 4 năm đầu tiên.
Đầu tiên là nhóm có cách ngủ ổn định dài (8-9 giờ ngủ đều đặn), ổn định bình thường (7-8 giờ ngủ đều đặn), giảm dần (từ trung bình trên 8 đến dưới 6 giờ ngủ), tăng dần (từ trung bình dưới 6 đến trên 8 giờ ngủ) và ổn định ngắn (5-6 giờ ngủ đều đặn).
Bài công bố trên tạp chí y học BMC Public Health cho thấy cơ hội lão hóa thành công lớn hơn đáng kể ở nhóm có cách ngủ ổn định dài và nhóm ổn định bình thường (lần lượt là 17,1% và 18,1%).
Trong khi đó, ở người có quỹ đạo ngủ giảm dần, cơ hội lão hóa thành công giảm 9,9%; trong khi người lúc nào cũng ngủ quá ít (ổn định ngắn) giảm 8,8%.
Nếu đem so sánh so với nhóm có cách ngủ tốt nhất - ổn định bình thường - những người có quỹ đạo ngủ ổn định ngắn có cơ hội lão hóa thành công kém hơn tận 36%.
Một phát hiện bất ngờ là người có quỹ đạo ngủ tăng dần có cơ hội lão hóa thành công giảm 52% so với nhóm tốt nhất.
Ngoài ra, thời lượng ngủ tăng dần có thể liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ, trầm cảm và mệt mỏi, vì thời lượng ngủ quá mức thường không đi kèm chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Theo các tác giả, điều này có thể do "hành vi bù trừ giấc ngủ" làm suy yếu khả năng ngủ vào đêm hôm sau của một cá nhân, vô tình khuyến khích một cách ngủ mất ổn định.
Sự lão hóa thành công phản ánh việc một người không bị mắc các bệnh mạn tính nghiêm trọng, không suy giảm thể chất, chức năng nhận thức cao, sức khỏe tinh thần tốt, tích cực tham gia vào cuộc sống... hơn những người đồng trang lứa.
Các phát hiện trên cho thấy việc đảm bảo thời gian ngủ ổn định và vừa đủ - không quá nhiều, không quá ít - có thể là chìa khóa để một cộng đồng đối diện với tình trạng già hóa dân số mà không tăng thêm quá nhiều gánh nặng y tế.
Theo các tác giả, kết quả này cũng phù hợp với một nghiên cứu trước đó của họ riêng về thời lượng ngủ, cho thấy khoảng 7 giờ mỗi đêm là mốc "vàng" để có sự lão hóa khỏe mạnh, "trẻ hơn tuổi" về mặt sinh học.
Bình luận (0)