Theo Medical Xpress, 90 thanh niên đã được tuyển chọn cho nghiên cứu và được phân ngẫu nhiên vào nhóm ngủ trễ, nhóm ngủ sớm hoặc ngủ bình thường trong tuần làm việc để tìm hiểu về giờ giấc và thời lượng giấc ngủ có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ.
Kết quả hoàn toàn bất ngờ: Chỉ cần kéo dài thời lượng giấc ngủ thêm được khoảng 46 phút mỗi ngày - bất kể thời lượng đó có giúp họ thật sự đủ giấc hay không - những thay đổi khó tin đã xảy ra.
Không chỉ gia tăng rõ rệt mức độ phục hồi về mặt tinh thần, cảm xúc của những người này cũng được cải thiện.
Họ thể hiện lòng biết ơn, sự hài lòng trong cuộc sống và mục đích sống nhiều hơn, theo PGS Michael K. Scullin, đồng tác giả công trình nghiên cứu.
Ngược lại, những tình nguyện viên bị giảm đi 37 phút ngủ mỗi ngày cho thấy sự sụt giảm về khả năng phục hồi tinh thần và cả tâm trạng cũng xấu đi. Quan điểm xã hội của họ cũng trở nên tiêu cực hơn.
Viết trên tạp chí Journal of Positive Psychology, các tác giả cho biết các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào những tác động tiêu cực của việc thiếu ngủ.
Mặc dù biết đủ giấc là tốt, nhưng không phải ai cũng làm được.
Nghiên cứu này chuyển hướng bằng cách tập trung vào khía cạnh cải thiện sức khỏe tinh thần, xem xét ý nghĩa tích cực của việc bổ sung một thời lượng nhỏ, thay vì chỉ tính đến việc hạn chế các kết quả bất lợi.
Theo PGS Scullin, các kết quả cũng cho thấy việc cố gắng tăng cường thời gian ngủ không chỉ giúp bạn tỉnh táo hơn mà còn đem lại một ngày mới tốt hơn nhiều, nhờ sự sẵn sàng về mặt tinh thần để đối diện với các thách thức, cũng như có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Bình luận (0)