Tổng thu từ du lịch trên địa bàn đạt gần 118.000 tỉ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Ngành du lịch Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đều có những bước tiến vượt bậc, là điểm đến hấp dẫn của khu vực.
Trong bối cảnh TP HCM chính thức vận hành chính quyền hai cấp khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 1-7, ngành du lịch TP HCM đang đứng trước cơ hội định vị lại thương hiệu, điểm đến để bứt phá mạnh mẽ.
Trong phạm vi địa lý mới, thành phố hiện sở hữu 681 tài nguyên có khả năng trở thành điểm đến du lịch. Nguồn nhân lực từ 3 khu vực này được đào tạo với trình độ tri thức cao hơn so với các vùng khác, tạo lợi thế khi phát triển du lịch chất lượng cao, các mô hình du lịch mới.
Những yếu tố về phong tục tập quán, kinh tế và nguồn nhân lực đều rất thuận lợi, tạo thành bệ đỡ thúc đẩy du lịch TP HCM cất cánh mạnh mẽ trong những năm tới. Vấn đề là cần chuyển hóa tài nguyên, tiềm năng bằng một chiến lược dài hạn để nắm bắt cơ hội này.
Mục tiêu của thành phố mới không chỉ là trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và du lịch lớn nhất cả nước, mà phải là một động lực kéo cả ngành du lịch Việt Nam bay lên. TP HCM cần đặt khát vọng để đóng góp mạnh mẽ vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số từ 8% đến 10% của cả nước trong các năm tới. Riêng về du lịch, TP HCM phải đi đầu với mức tăng trưởng từ 20%-30%, chứ không chỉ dừng ở mức 10% như mục tiêu thông thường.
Cần xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn với khát vọng lớn, trở thành động lực, lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, đồng hành với các vùng du lịch khác để phát triển và vươn tầm khu vực. Muốn vậy, cần cơ chế chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
Trong chiến lược phát triển, phải định vị rõ thế mạnh riêng, xây dựng các sản phẩm du lịch có khả năng thu hút mạnh mẽ. Cần xác định những sản phẩm có khả năng lan tỏa và lôi kéo mạnh, đầu tư có trọng điểm.
Có thể phát triển hệ thống sản phẩm dọc theo sông Sài Gòn, từ Bình Dương xuống đến cửa biển Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành trục sản phẩm chính. Các sản phẩm dọc bờ biển và các cửa biển như Cần Giờ sẽ hình thành trục ngang, kết nối những mảng văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, tài nguyên và kinh tế - xã hội. Mỗi khu vực sẽ phù hợp với một loại sản phẩm và đối tượng khách nhất định. Quy hoạch như vậy sẽ tạo ra một hệ thống sản phẩm rõ ràng, tránh đầu tư dàn trải, da beo…
Ngành du lịch nói chung và du lịch TP HCM nói riêng cần tập trung quảng bá những sản phẩm đặc trưng, riêng có; định vị các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Đông Bắc Á và thị trường nội địa.
Tận dụng lợi thế về giao thông hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt để thu hút khách từ các thị trường xa và gần. Đồng thời, mạnh dạn xây dựng các cơ quan đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm để xúc tiến quảng bá, triển khai ngay trong 5 năm tới. Nếu làm được, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó TP HCM là động lực thúc đẩy du lịch Việt Nam vươn xa.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)