Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại một siêu thị lớn ở TP Thủ Đức, TP HCM, khu vực quần áo thời trang gần đây đã bị thu hẹp để chia sẻ diện tích cho khu vui chơi trẻ em. Tại một siêu thị khác ở quận 10, khu vực hàng hóa phi thực phẩm ở tầng 1 được sắp xếp lại hoàn toàn, thay thế bằng các mặt hàng liên quan đến nữ công gia chánh đã rời quầy kệ…
"Đất" hẹp, hàng nhiều
Theo giới kinh doanh, sức mua thị trường từ sau đại dịch COVID-19 đến nay phục hồi chậm, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ lớn tại Việt Nam hiện nay gồm Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte Mart, Emart, Aeon, Satra... chịu nhiều áp lực trong việc cạnh tranh thị phần lẫn các chỉ tiêu tăng trưởng doanh số.
Chiến lược kinh doanh ở giai đoạn mới, nhiều DN thẳng tay loại bỏ những mặt hàng không hiệu quả, tăng diện tích cho các nhóm sản phẩm bán chạy. Ngoài ra, nhà bán lẻ còn tăng diện tích mặt bằng cho thuê để DN đặt các quầy, ụ quảng cáo, bán hàng. Một số DN bán lẻ đã có được khoản thu vài chục tỉ đồng trong năm 2023 từ hoạt động cho thuê mặt bằng này.
Anh Trần Thanh Hải, từng hoạt động trong ngành bán lẻ, sau đó tạm nghỉ một thời gian. Nay quay lại TP HCM, anh nhận ra các siêu thị đã thay đổi rất nhiều so với trước đại dịch. Như khu vực lobby trong, lẫn ngoài sân siêu thị được dành để mở các gian hàng bán thực phẩm và đồ uống phục vụ khách chờ người thân đi mua sắm. Bên trong, cơ cấu hàng hóa, vị trí ưu tiên và nhóm hàng cũng khác trước.
Thống kê không chính thức của một hệ thống bán lẻ lớn cho thấy số lượng mã hàng (SKU) tại mỗi siêu thị trong hệ thống đã giảm từ khoảng 50.000 SKU xuống còn hơn 30.000 SKU. Tại một hệ thống khác, số SKU cũng giảm từ khoảng 30.000 - 35.000 SKU xuống còn hơn 20.000 SKU.
"Trừ các hàng nhãn riêng và hàng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) vẫn được giữ ổn định, còn lại những mã hàng nào không đạt yêu cầu về doanh số, điều kiện giao hàng… đều bị loại. Khâu tiếp nhận và mở mã hàng mới cho nhà cung cấp cũng được siết chặt so với trước. Theo đó, ngoài yêu cầu về giấy tờ chứng nhận, năng lực sản xuất, bao bì mẫu mã đạt yêu cầu, nhà cung cấp còn phải chứng minh được sự khác biệt, tính cạnh tranh và tiềm năng thị trường của mặt hàng đang chào" - đại diện một hệ thống siêu thị cho biết.
Những yêu cầu trên khiến việc xét duyệt mở mã hàng cho sản phẩm trở nên khó khăn hơn. Bù lại, DN được chọn sẽ có nhiều cơ hội trụ lại cao hơn trước.
Áp lực chi phí ngày càng lớn
Phản ánh với Báo Người Lao Động, một số DN sản xuất cho biết chi phí đưa hàng vào siêu thị quá cao đang là gánh nặng cho họ. Đặc biệt, một số DN nhỏ sau thời gian ngắn đưa hàng vào siêu thị đã chủ động rút vì không hiệu quả.
Tổng giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm ở huyện Bình Chánh (đang có sản phẩm phân phối ở hầu hết siêu thị lớn) nêu thực tế, phần chiết khấu cố định cho siêu thị thường không cao và áp dụng chung cho các ngành hàng. Tuy nhiên, các chi phí khác như phí trưng bày, sinh nhật siêu thị, khuyến mãi, quảng cáo, thuê quầy/ụ... thì tùy ngành hàng, tùy DN mà siêu thị sẽ áp dụng các mức khác nhau.
"Nếu chỉ đưa hàng vào mà không tham gia các chương trình, không thuê vị trí đẹp, sản phẩm sẽ không được trưng bày ở vị trí dễ thấy, không được quảng bá đến khách hàng, dẫn đến không có doanh thu. Còn nếu tham gia tất cả các khoản, chi phí sẽ đội lên rất cao, lên tới 38%-40% tổng giá trị hợp đồng. Chưa kể, mức phí này là bảo mật, mạnh DN nào nấy biết" - tổng giám đốc DN này cho biết.
Chị Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cacao Mekong, tính toán, với tổng chiết khấu cho siêu thị khoảng 40%, cộng thêm phí vận chuyển 7%, lưu kho và các điều khoản về thời hạn thanh toán... sẽ vượt ra ngoài khả năng đáp ứng của DN khởi nghiệp như chị.
"Tôi đã tiếp xúc với một số hệ thống bán lẻ và sàn thương mại điện tử, họ đánh giá cao sản phẩm của chúng tôi nhưng không thể đạt được thỏa thuận để ký hợp đồng. Với DN nhỏ đang trong giai đoạn xây dựng nền tảng, chúng tôi rất khó để đáp ứng được mức chiết khấu như vậy. Thay vào đó, công ty đẩy mạnh bán hàng vào các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa với chiết khấu khoảng 20%-30%" - chị Tuyết Nhung nói thêm.
Mới đây, tại buổi ký kết hợp tác hỗ trợ thị phần - thương hiệu cho các DN đạt danh hiệu "DN xanh" TP HCM giữa Báo Sài Gòn Giải Phóng, Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) và Công ty MM Mega Market, một số DN cũng phản ánh về mức chiết khấu khi đưa hàng vào siêu thị quá cao.
Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, cho biết DN phải đầu tư chi phí sản xuất rất lớn để đạt chứng nhận DN xanh. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, kiến nghị các siêu thị chia sẻ mức chiết khấu cho sản phẩm xanh dưới 20%.
Phản hồi các DN, đại diện MM Mega Market cam kết đồng hành hỗ trợ DN xanh về vấn đề chiết khấu. Tương tự, đại diện Satra cũng cho biết sẽ có các khoản ưu tiên cho DN xanh về chiết khấu trên hợp đồng để DN yên tâm.
Không phân biệt thương hiệu nào
Một số siêu thị cho biết họ không phân biệt đối xử với bất cứ thương hiệu nào. Những DN được chọn ký hợp đồng phải có thương hiệu, đạt yêu cầu chất lượng, bao bì, giá cả phù hợp với phân khúc khách hàng của siêu thị... Những DN có sản phẩm khác biệt, có "câu chuyện" riêng sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Bình luận (0)