"Hịch tướng sĩ" được Trần Hưng Đạo viết vào thời gian giữa hai cuộc hội nghị lịch sử đời nhà Trần là "Hội nghị quân sự" (còn được gọi là Hội nghị Bình Than hay Hội nghị vương hầu - bách quan), họp ở Trần Xá Loan (Nam Sách, Hải Dương) để bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu vào tháng mười năm Nhâm Ngọ, tức từ ngày 2-11 đến ngày 1-12-1282 và "Hội nghị chính trị" - hỏi kế đánh giặc của các phụ lão cả nước, họp ở điện Diên Hồng trong Hoàng thành Thăng Long vào tháng chạp năm Giáp Thân, tức từ ngày 7-1 đến ngày 5-2-1285 trước khi bùng nổ cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần hai.
Trần Hưng Đạo vốn nổi tiếng là người điềm tĩnh, cẩn trọng. Ở thời gian đầu đấu tranh ngoại giao giữa Đại Việt và Nguyên Mông trước chiến tranh, Ngài đã có lần cùng Thượng tướng - Thái sư Trần Quang Khải tiếp sứ giả Sài Thung của Nguyên Mông, bị một tì tướng của Sài Thung khiêu khích, lấy mũi tên nhọn chọc vào đầu đến chảy máu nhưng Ngài vẫn điềm nhiên ngồi nói chuyện, sắc mặt không thay đổi.
Ấy vậy mà, đến lúc trút tâm can, tâm huyết, tâm chí mà viết những dòng "Hịch tướng sĩ" như sau đây thì là một Trần Hưng Đạo hoàn toàn khác - đau đớn và phấn khích tột độ, mãnh liệt, căm thù và quyết tâm sắt đá viện dẫn cả sự hy sinh và cái chết thân tan nát thịt.
"Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm!".
Tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, quận 1, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nguồn cơn nào đã dẫn đến những lời lẽ sục sôi như thế?
Đọc lại lịch sử Đại Việt những thập niên thứ sáu, thứ bảy và đầu thập niên thứ tám của thế kỷ XIII, thấy đầy rẫy cảnh tượng đúng như lời hịch của Trần Hưng Đạo đã mô tả: "Sứ giả của giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn".
Tinh thần dân tộc, tấm lòng yêu nước Đại Việt, đã vì thế mà bị xúc phạm.
Nhưng nơi chỗ sinh tạo và đồng thời gửi gắm tấm lòng yêu nước và tinh thần dân tộc ấy, là quốc gia và giang sơn Đại Việt, đang lâm vào thế mất còn, trước mưu đồ và hành động xâm lược hung hăng và quỷ quyệt của Nguyên Mông mới chính là căn nguyên để tinh thần dân tộc và tấm lòng yêu nước ấy bộc phát.
Lịch sử đã không một chút nghi ngờ nào về tinh thần dân tộc và tấm lòng yêu nước của những người đứng đầu triều đình nhà Trần - là Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Hoàng đế Trần Nhân Tông cùng các quan trụ cột triều đình, là Thượng tướng - Thái sư Trần Quang Khải và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo lúc bấy giờ.
Chính vì đã luôn sẵn và chứa chan tinh thần dân tộc cùng tấm lòng yêu nước, cho nên trước những khiêu khích và thách thức của Nguyên Mông, vì chiến lược yêu chuộng và tranh thủ hòa bình đã thành truyền thống máu thịt của dân tộc, các ngài đã có thể nhẫn nại và nhân nhượng, cho "tấu nhạc thái thường, đãi yến sứ ngụy" để tướng thần phải hầu hạ quân giặc" - như lời "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo đã nói, cho đến khi, tới lúc nhận ra - vẫn là lời hịch (dịch thành thơ): "Thịt đâu hoài thịt ném ra. Ném cho hổ đói chắc là chẳng yên". Và rành rành hơn nữa, năm mươi vạn quân Nguyên Mông được tổ chức thành hai gọng kìm, một do Thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan cầm đầu, một do Nguyên soái Toa Đô chỉ huy, đã áp sát cả hai mặt biên thùy phía Bắc và phía Nam nước ta.
Không thể mơ hồ hoặc tự huyễn hoặc trước một thế lực thù địch trắng trợn và nguy hiểm đã lộ diện, hiện hình - rõ ràng đến mức không thể rõ ràng hơn như thế. Chính là tinh thần dân tộc và tấm lòng yêu nước, lúc này, đã một niềm thôi thúc như vậy. Và cũng còn là nhờ cả anh linh tiên tổ, lương tri, xã tắc phù hộ, nên mọi người khi ấy mới đến lúc và đúng lúc nhận ra, lĩnh hội được niềm thôi thúc trọng đại đó.
Vậy là thành việc điều hành và thực hiện được, công cuộc khẩn trương và dứt khoát, chuyển từ tình thế và thời gian chủ yếu là "yên hưởng thái bình" sang cục diện phải trực tiếp chuẩn bị chống xâm lược.
Thời nào cũng vậy, không bao giờ nguôi tấm lòng yêu nước và tinh thần dân tộc nhưng cuộc sống và lối sống quốc dân lại tùy vào thời thế mà mỗi thời mỗi khác.
Ở thế kỷ XIII, vào lúc được yên hưởng thái bình thì như lời hịch đã chỉ ra nhiều người đã "hoặc lấy chọi gà làm vui, hoặc lấy đánh bạc làm thú, hoặc chăm chút ruộng vườn để nuôi sống gia đình, hoặc quyến luyến vợ con chỉ vì ích kỷ, hoặc lo làm giàu mà quên đi việc nước, hoặc ham săn bắn mà bỏ việc đánh việc phòng, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát…". Thế nên, chuyển lối sống từ thời bình sang thời chiến có nghĩa là phải thay đổi những ham thích và thú vui đó, trước hết là phải nhận ra sự không thích hợp hoặc vô tác dụng của chúng. Và "Hịch tướng sĩ" đã rất nghiêm túc và sâu sắc chỉ rõ: "Nếu (một khi mà) giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà chọi không thể đâm thủng áo giáp giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh, vườn ruộng giàu có không ích gì cho việc quân quốc, tiền của dẫu nhiều cũng không mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe nhưng cũng chẳng đuổi được quân thù, chén rượu ngon không đầu độc được kẻ địch, tiếng hát ngọt chẳng chọc thủng được tai giặc…".
Trước sự thật hiển nhiên và nguy cơ nhãn tiền là như vậy, cùng sự bừng tỉnh tinh thần dân tộc và tấm lòng yêu nước của mọi người đã khiến - ngay sau khi Trần Hưng Đạo thổ lộ tâm sự, tâm can, tâm huyết - lập tức và toàn bộ tạo ra được một cuộc chuyển biến thức thời và thích thời; dẫn đến sự vận hành, vận động, trong vòng 6 tháng đầu năm 1285 - cuộc kháng chiến đại thắng lợi lần thứ hai chống Nguyên Mông xâm lược.
"Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo đã như một luồng gió mạnh, một nguồn lửa nóng đúng lúc và kịp thời làm rừng rực bừng lên được những biểu hiện biến đổi cần thiết của tinh thần dân tộc và tấm lòng yêu nước Đại Việt và ở một bước ngoặt trọng đại của lịch sử thế kỷ XIII.
Không chỉ có thế. Sau hơn 700 năm, mùa Xuân này, đọc lại công trình chữ nghĩa đầy tâm huyết của Trần Hưng Đạo, nhất là ở câu đanh thép và quả quyết chốt lại tại chữ cuối của bài hịch: "Giặc Mông Thát là kẻ thù không đội trời chung", ta vẫn như thấy sống động ngay trước mắt một sự cảnh tỉnh sâu sắc của trí tuệ và lương tri, của dân tộc và lịch sử.
Bình luận (0)