Rất dễ thấy, cùng với nông nghiệp là du lịch, giao thông vận tải, logistics (kho vận), bán lẻ, chứng khoán cũng bị vạ lây theo dịch. Những lĩnh vực có giao thương càng sâu rộng với các đối tác Trung Quốc càng bị tổn thất nặng.
Cho tới nay, chưa thể nói khi nào dịch corona sẽ được chặn đứng, trong khi đó diễn biến của dịch này hết sức phức tạp. Do vậy, những lĩnh vực trong nước bị ảnh hưởng xấu cần xây dựng nhiều kịch bản ứng biến khác nhau, không nên đối phó nhất thời.
Riêng ngành nông nghiệp, đòn đau lần này là thêm một bài học. Trước đó đã nếm nhiều bài học rồi, ngọt ngào ít mà cay đắng nhiều, chủ yếu liên quan đến các đối tác Trung Quốc. Khi thuận buồm xuôi gió thì không sao, lúc hữu sự thì "bên ta" thường chịu trận, bị "xù" đơn hàng, bị ép giá... đủ cách. Mới nhất, ngay khi phát dịch corona, một công ty Trung Quốc đã hủy đơn hàng 300 container thanh long đặt mua ở Long An, một công ty khác hủy đơn hàng 200 container thanh long, cũng của tỉnh này. Tới vụ mà không bán được, người trồng thanh long phải chặt bỏ trong đau đớn, thiệt hại nghiêm trọng. Từ đây, sự bất cập đã lộ ra, đó là ràng buộc về bao tiêu hàng hóa và thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, bất lợi cho bên cung ứng.
Phải công nhận Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cực lớn, là đầu ra rất quan trọng của nông sản xuất khẩu nước ta. Mục tiêu chúng ta hướng tới là xuất khẩu chính ngạch nhiều nông sản có giá trị cao và rất tiếc là trong lúc hai bên đã thương thảo gần như hoàn tất để tiến tới ký nghị định thư năm 2020 xuất khẩu các sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch của Việt Nam sang Trung Quốc nhưng vì dịch nên mọi thứ phải dừng lại, chưa biết chờ tới bao giờ. Thời gian chờ đợi này cũng chính là cơ hội để ngành nông nghiệp thể hiện khả năng xoay trở tình thế, mà khả thi nhất là đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng về thị trường trong nước, kêu gọi và kích cầu tiêu thụ nội địa, đổi mới phương pháp bảo quản và công nghệ sau thu hoạch để kéo dài hạn dùng. Đâu chỉ riêng trái cây và rau củ quả, sản phẩm chăn nuôi cùng hàng thủy sản cũng phải đi theo hướng đó.
Yêu cầu cốt tử lúc này là cần phải hết sức bình tĩnh, chủ động ứng phó và sáng suốt vượt khó. Cũng như nông nghiệp, cú sốc mang tên corona này dù không mong muốn song cũng là "dịp" để ngành du lịch tính toán lại chiến lược phát triển. Hiện lượng du khách từ Trung Quốc chiếm gần 40% tổng khách du lịch đến Việt Nam bằng mọi phương tiện. Vào khoảng thời gian du lịch hai bên tạm thời đóng băng, ngành công nghiệp không khói Việt Nam cần có sự chuẩn bị "xoay trục" trở lại thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ, để đến khi dứt dịch thì tập trung thu hút phân khúc thị trường thượng lưu mà chúng ta đã từng khai thác khá tốt này. Mục tiêu kế đến là thị trường khách Hàn Quốc. Du lịch Đài Loan cũng từng bị chao đảo do gần như mất trắng lượng du khách từ Trung Hoa đại lục song họ đã vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục. Đây cũng là bài học đáng tham khảo.
Bình luận (0)