Ngày 31-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Nông dân hỏi, Chính phủ giải đáp
Nhân dịp cuối năm 2024 và chào đón năm mới 2025, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và cảm ơn nông dân đã giúp ngành nông, lâm, thủy sản đạt kết quả xuất khẩu kỷ lục 62,5 tỉ USD trong năm 2024.
Thủ tướng đề nghị nông dân không chỉ đặt câu hỏi, đặt vấn đề mà cần hiến kế cho Chính phủ, đề xuất những giải pháp xuất phát từ thực tiễn sản xuất.
Trước gợi mở của Thủ tướng, nông dân Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - hỏi: "Chính phủ có chính sách ưu đãi gì để khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, HTX xây dựng nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung?".
Nông dân Hoàng Thị Gái - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng - cho hay cơn bão số 3 vào tháng 9-2024 đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân mất hàng tỉ đồng. Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, cho vay mới, giúp nông dân kịp thời khôi phục sản xuất, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của bảo hiểm nông nghiệp?
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), bộ đã có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung và đang xây dựng tiêu chí đánh giá để có chính sách hỗ trợ.
Về vấn đề tín dụng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết các tổ chức tín dụng đang xem xét giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn và thực hiện cho các khoản nợ trước khi bão số 3 đổ bộ thời gian thực hiện đến hết 2025. Những khoản nợ, khoản lãi được giãn, hoãn từ 2 - 3 năm tùy theo điều kiện thực tế. Ngoài chính sách chung còn có những chính sách rất cụ thể trong vấn đề hỗ trợ vốn cho bà con, doanh nghiệp, HTX.
Một trong những vấn đề mới là thị trường carbon cũng được các nông dân đặt câu hỏi. Nông dân Lê Thanh Long - xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang - muốn biết Chính phủ sẽ có giải pháp gì để thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon và triển khai đề án 1 triệu ha lúa trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường tín chỉ carbon; các bộ, ngành đang thống nhất để kiến nghị Chính phủ ban hành. "Chúng ta không đề cập bán tín chỉ này được bao nhiêu tiền, mà là lợi ích của đề án 1 triệu ha lúa mang lại lớn hơn, hữu ích hơn cho sản xuất nông nghiệp" - ông Hoan nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gợi mở phát triển nông nghiệp cần gắn với du lịch, tạo thành sản phẩm du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị. Muốn làm được thì sản phẩm phải đặc sắc, dịch vụ phải chuyên nghiệp, thủ tục phải nhanh gọn, giá cả phải cạnh tranh, môi trường phải sanh, xạch, đẹp, điểm đến phải thân thiện. Trong đó, mỗi nông dân phải là đại sứ du lịch.
Mục tiêu 100 tỉ USD
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin Việt Nam có tới 20 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước - bao gồm đã có 17 hiệp định đi vào thực thi, 3 hiệp định đang đàm phán. Nếu thực hiện cả 20 hiệp định này, Việt Nam sẽ sở hữu thị trường hàng hóa lên tới 6 tỉ người tiêu dùng. "Tôi tin rằng tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu nông lâm thủy sản còn rất lớn" - Bộ trưởng nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 100 tỉ USD trong những năm tới. Bên cạnh đó, để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Thủ tướng đề nghị nông dân tiếp tục góp ý để hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng, bảo hiểm...
Về thị trường, Thủ tướng nhấn mạnh cần phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp tự cung - tự cấp, do đó phải mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal.
Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của nông dân, còn nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần. "Để du khách mua sản phẩm thì bao bì, cách thức đóng gói sản phẩm phải bảo đảm có thể đưa lên máy bay, tàu biển, tàu hỏa" - Thủ tướng lấy ví dụ.
Nông nghiệp thông minh
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay cách đây 40 năm, Việt Nam có Nghị quyết số 10/1988 (hay còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, được coi là "cú hích" mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57/2024 về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, yêu cầu xây dựng một chương trình thông minh trong nông nghiệp; nền tảng học tập số, kỹ năng số cho nông dân, hay nói cách khác là "số hóa" nhà nông; tư vấn cho nông dân qua một trợ lý ảo, app hỏi đáp; xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc thuận lợi để giúp nông dân xác nhận sản phẩm do mình làm ra...
Bình luận (0)