Sáng 15-6, các đại biểu Quốc hội (QH) tranh luận gay gắt về Điều 4 của dự án Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng.
Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng cùng ngày 15-6, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH khẳng định ông hoàn toàn phản đối quy định này.
Theo ông Quyền, quy định mà Việt Nam áp dụng từ các nước tiên tiến. “Quy định này nghe có vẻ văn minh nhưng mà mọi thứ phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Thực tiễn thời gian qua ở Việt Nam không có những cái đó. Quan trọng hơn, các điều luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam đủ tính khái quát để xử lý tất cả các hành vi liên quan, không thể có hành vi nào đó nằm ngoài pháp luật” - ông Quyền dẫn giải.
Làm rõ hơn quan điểm của mình, ông Quyền cho biết hoạt động tư pháp Việt Nam chưa cho chúng ta áp dụng điều luật đó bởi vì cho phép áp dụng điều luật đó là chúng ta cho phép áp dụng một ý thức chủ quan của nhà tư pháp, người tiến hành tố tụng trong việc xem xét một vấn đề. Ông khẳng định: “Chúng ta không thể vì không có tiêu chí khách quan để áp dụng mà cho ý chủ quan của nhà tiến hành tố tụng, nhà tư pháp thì sẽ dẫn đến tùy tiện, lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi các bên là rất lớn”.
Một lý do khác để ông Quyền phản đối quy định trên là ở Việt Nam, tri thức tư pháp của những người tiến hành tố tụng, đạo đức nghề nghiệp, tính công khai, minh bạch, cái chung chưa phải tuyệt đối nên áp dụng sẽ dẫn đến tùy tiện, khiếu kiện triền miên kéo dài. Các nước tiên tiến có thể áp dụng quy định trên vì các nước đó, công tố, thẩm phán tuyệt đối về cái chung.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường QH về dự án Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) cũng cho rằng quy định này không phù hợp, thiếu tính khả thi khi tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
Theo ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình), hiện nay chúng ta vẫn đang xây dựng án lệ nên chưa có căn cứ để xét xử. Mặt khác, phong tục tập quán ở nước ta đa dạng, tranh chấp khác nhau và nhiều tranh chấp không phù hợp quy định pháp luật nhưng vẫn được các bên tự nguyện thực hiện. Do vậy, nếu quy định như trên sẽ gây ra hệ quả là nếu tranh chấp được đưa ra tòa và phán quyết có thể trái với phong tục đó. Thậm chí, nếu cứ đưa ra tòa án có thể làm bất ổn hơn các tranh chấp, thậm chí tòa phán quyết xong cũng khó thi hành được.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ĐB cho rằng quy định trên là cần thiết. ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng Nhà nước không có quyền từ chối vì không có luật. Luật là do Nhà nước đặt ra. Còn ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu ý kiến quy định trên đã giao cho thẩm phán nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn song đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn xét xử. Ngoài ra, đây là trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ công lý, không thể thấy khó mà không làm. Điều này cũng mở đường cho việc xét xử các án lệ sau này.
ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho biết với nhiều vụ việc dân sự, người dân phải mang đơn đi nhiều nơi nhưng không được giải quyết nên “phải đi loanh quanh cho đời mỏi mệt” phát sinh nhiều chuyện. Vì vậy, quy định như điều 4 là cần thiết. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tòa án phải đào tạo bồi dưỡng thẩm phán giỏi về chuyên môn và có trách nhiệm cao.
Tố tụng trong dân sự là nỗi đoạn trường
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhìn nhận đây là dự án luật ảnh hưởng 90 triệu nhân dân Việt Nam, hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hàng trăm ngàn người nước ngoài ở Việt Nam. Án dân sự bao gồm vụ án và việc dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân gia đình; về lĩnh vực thì bao gồm việc sinh sống, cưới hỏi, sinh sản, thừa kế, đất đai, kinh doanh, sản xuất… “Nghĩa là, toàn bộ đời sống dân sự của đất nước và nhiều nước có liên quan phụ thuộc vào tố tụng dân sự. Bộ luật dân sự dù tốt đến mấy cũng thành bỏ đi nếu Bộ luật Tố tụng dân sự không tốt” - ông Nghĩa khẳng định.
Một thực tế nhức nhối hiện nay trong tố tụng dân sự Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua là quá kéo dài và chậm trễ. “Nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án đến 10 năm. Nhiều kẻ chiếm đoạt tài sản của người khác, lấy hàng nhưng không thanh toán, mượn tài sản nhưng cố tình không trả, sống xa hoa và thách thức nạn nhân đi kiện, còn nói là để tôi chỉ chỗ cho đi kiện” - ông Nghĩa bức xúc.
Theo ĐB Nghĩa, các thời hạn xét xử của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, từ nộp đơn, xem xét thụ lý đơn, bổ sung, bổ túc đơn, mời làm việc, hòa giải, phản tố, nhập án, tách án, đình chỉ vì nhiều lý do khác nhau, xử sơ thẩm, ra án văn, gửi án văn, kháng cáo, xử phúc thẩm, kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm… tạo ra rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn và tùy tiện về thời gian.
Ông Nghĩa cho rằng hiện nay không có chế tài cho sự chậm trễ. “Thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, học chính trị cao cấp, nghỉ phép… thì các đương sự lãnh đủ. Những đương sự nào muốn việc xét xử càng chậm càng tốt thì rất có lợi vì luật hiện hành có rất nhiều công cụ cho sự trì hoãn. Thế mà tục ngữ có câu: công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối. Tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm. Tố tụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, lao động… nói chung là sự phát triển của đất nước bị chậm lại theo” - ông Nghĩa lo lắng.
ĐB Nghĩ tỏ ra lo lắng: “Tố tụng đã là một nỗi đoạn trường và thi hành án là một đoạn trường khác”. Vì vậy, theo ông: “Phải quy định trách nhiệm và chế tài về việc cung cấp chứng cứ và hợp tác giải quyết, nếu cố tình trì hoãn hay giấu giếm có thể bị phạt. Ở nhiều nước, cố tình trì hoãn, giấu giếm chứng cứ, thiếu hợp tác có thể bị chế tài hình sự vì “cản trở tư pháp”.
Bình luận (0)