Chiều 29-6, Trường ĐH Văn Hiến phối hợp Sở LĐ-TB-XH TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề "Cung-cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á: thách thức và giải pháp đối với TP HCM". Hội thảo được bảo trợ truyền thông bởi Báo Người Lao Động.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tìm ra những phương hướng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng lao động của các quốc gia tại thị trường Đông Á.
Đại biểu tham gia hội thảo
Đông Á được đánh giá là thị trường lao động tiềm năng, có sức hút lớn đối với Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Á. Sự bùng nổ của nền kinh tế chuyển đổi số cùng những khó khăn kéo dài do khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19, khiến sự cạnh tranh về cung cầu thị trường lao động tại các quốc gia Đông Á ngày càng gia tăng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam, cần thiết có những định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.
Hội thảo nhận được sự đóng góp bài viết từ 70 tác giả là các chuyên gia, giảng viên của 19 trường ĐH, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, 7 doanh nghiệp đến từ các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, 20 doanh nghiệp trong nước có hoạt động thương mại với thị trường các nước Đông Á và các lãnh sự quán.
TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhận hoa cảm ơn từ Ban tổ chức hội thảo
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, thông tin hiện nay TP có trên 300.000 doanh nghiệp, trong đó có 67 công ty và 45 chi nhánh hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2012-2021, TP có 103.541 người đi làm ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM phát biểu tại hội thảo
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở TP HCM là không nhiều, trên thực tế, người dân TP ít đi xuất khẩu lao động. 20 năm về trước, số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất ở TP HCM là huyện Củ Chi, qua Hàn Quốc làm việc. Những năm gần đây không còn nhiều nữa.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH phát biểu tại hội thảo
Theo ông Thắng, nguyên nhân là những người đi xuất khẩu lao động trước đây chủ yếu thuộc nhóm chất lượng thấp, lao động phổ thông, họ cần sự chênh lệch về thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây nguồn thu nhập giữa TP HCM và một số thị trường ở các nước khác không còn chênh lệch nhiều, không thu hút được người lao động. Điều này dẫn đến hệ luỵ giá trị về xuất khẩu lao động của TP HCM không cao.
"Ở các nước giàu họ vẫn xuất khẩu lao động, chỉ khác là họ đưa kỹ thuật viên, chuyên gia có trình độ cao đi làm ở nước ngoài. Do đó, giá trị chất lượng lao động của họ cao" - ông Thắng nói.
Vì vậy, ông Thắng cho rằng TP HCM cần chú trọng đưa nguồn nhân lực chất lượng cao đi xuất khẩu lao động. Bởi, khi lực lượng này đi làm ở nước ngoài trở về, họ có tay nghề, có tác phong công nghiệp sẽ đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế của TP.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở TP HCM và cả nước, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, khẳng định phải gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sáng tạo khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn, đào tạo lao động.
TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng cho nguồn lao động trong nước và xuất khẩu
"Với trách nhiệm của một cơ quan truyền thông, một trong 10 tờ báo hàng đầu cả nước, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực xuất khẩu để mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước, góp phần lan toả văn hoá tốt đẹp của đất nước đến bạn bè thế giới" - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh.
Bình luận (0)