Ngày 1-11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero (Green Media HUB) và Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chuyên đề "Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững".
Chuyển đổi sang nhiên liệu xanh
Tại hội thảo, ông Arghya Mandal, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa TH, cho biết nhà máy sữa TH đã chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, thay thế đốt lò hơi bằng nhiên liệu hóa thạch (dầu FO) sang dùng nhiên liệu sinh khối (phụ phẩm của ngành công nghiệp gỗ) với lò Biomass.
TH còn sử dụng hệ thống sản xuất tận dụng nhiệt từ đốt bã mía làm nóng tuabin, lò hơi tạo ra điện sinh khối tại Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU - thành viên Tập đoàn TH) với sản lượng điện đạt hơn 22 triệu KWh/năm. Ngoài ra, TH đã chuyển đổi ống hút sữa, thìa sữa chua dùng một lần từ nhựa thông thường sang nguyên liệu sinh học thân thiện với môi trường.
Với những sự chuyển đổi này, mỗi năm TH True Milk giảm khoảng 600 tấn nhựa nguyên liệu. Năm 2023, chương trình thu gom vỏ hộp sữa đã gom hơn 300.000 vỏ hộp, tương đương 1,9 tấn rác thải giấy.
Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp (DN) đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng 0 vào năm 2030 với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước. Hiện toàn bộ 5 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái tạo - chia sẻ - tối ưu hóa - tái sử dụng/tái chế - số hóa - chuyển đổi", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu.
Theo bà Ánh, việc kiên định với chiến lược phát triển bền vững đã giúp đơn vị 8 năm liền nằm trong tốp 3 DN phát triển bền vững tại Việt Nam. Mục tiêu phát triển bền vững của Heineken Việt Nam không chỉ trong sản xuất mà còn trong chuỗi giá trị bởi cần sự chung tay, đồng hành của nhiều DN và các bên. Đặc biệt, các cơ quan báo chí là kênh giúp kết nối, chia sẻ các thông lệ tốt, giải pháp đổi mới sáng tạo từ DN lớn, vừa và nhỏ.
Bà Chu Kim Thanh, Giám đốc Vận hành - Công ty Cổ phần Tái chế Bao bì PRO Việt Nam, khẳng định vai trò truyền thông vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. PRO Việt Nam đã xác định một trong các chiến lược ưu tiên, đặc biệt vai trò truyền thông, để tăng cường nhận thức cộng đồng thông qua tuyên truyền và giáo dục. Có thể nhận thấy sự thay đổi nhận thức rõ rệt trong những năm gần đây trong cộng đồng DN cũng như trong cộng đồng dân cư về sản xuất xanh, về phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh...
Cần doanh nghiệp cùng đồng hành
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là huy động nguồn vốn để đào tạo nguồn nhân lực xanh và triển khai các dự án hạ tầng xanh trên quy mô toàn quốc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang chịu áp lực từ sự phát triển nhanh chóng và các vấn đề nghiêm trọng về môi trường.
Bên cạnh đó, theo ông Thọ, DN trong nước hiện phải ứng phó với nhiều khó khăn như bảo đảm chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm khí thải của các nước trên thế giới. Do đó, DN cần phải chủ động tìm hiểu và học tập chuyên sâu những quy định về quản lý môi trường hiện hành và thực hiện quản lý bảo đảm theo tiêu chuẩn.
Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí là công cụ truyền thông hiệu quả và kịp thời thông qua các hoạt động nhằm nắm bắt nhu cầu của DN về phát triển bền vững đang hướng tới để tuyên truyền hiệu quả. Bên cạnh đó, phát triển bền vững là nguồn cảm hứng cho cơ quan báo chí, khơi gợi trách nhiệm xã hội vốn là sứ mệnh của báo chí, từ đó giúp truyền tải thông điệp có ý nghĩa đến với độc giả và xã hội.
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho rằng để tiến tới Net Zero là hành trình dài, nhất là nền kinh tế Việt Nam quy mô còn hạn chế so với kinh tế toàn cầu nên khi nói về câu chuyện phát triển xanh, phát triển bền vững, nhiều người còn băn khoăn. Vì vậy, truyền thông là kênh truyền tải chủ trương, chính sách về phát triển xanh để người dân cùng đồng tâm hiệp lực, hướng đến nền kinh tế xanh trong tương lai.
"Việc thành lập CLB Báo chí phát triển xanh để truyền thông hiệu quả là cách làm hay, ý nghĩa. Các cơ quan truyền thông và DN cùng đồng hành để tổ chức nhiều hoạt động thường xuyên, liên tục, tạo ra phong trào và chuyển hóa trong xã hội" - nhà báo Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
Ông Tô Đình Tuân cho biết Báo Người Lao Động đã có sự chuẩn bị cho vấn đề này. Vào ngày 4-11, Báo Người Lao Động sẽ ra mắt chuyên trang Kinh tế xanh với sự chuẩn bị bài bản. Chuyên trang sẽ cập nhật những xu hướng, giải pháp thiết thực và truyền cảm hứng cho DN và người dân cùng hành động vì một môi trường trong lành, cũng như các thông tin hữu ích về chính sách, quy định của pháp luật. Hy vọng các cơ quan truyền thông, DN, người dân cùng đồng hành hoàn thành sứ mệnh này.
Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM, Phó Chủ nhiệm Green Media HUB, cho hay lợi thế của Green Media Hub là tập hợp các nhà báo, nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam. "Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác truyền thông theo thế mạnh của từng cơ quan báo chí với từng nhóm DN theo các tiêu chí như năng lượng xanh, giao thông xanh, tiêu dùng xanh, vận chuyển xanh… Chúng tôi kỳ vọng các DN sẽ nhiệt tình hưởng ứng và cùng đồng hành" - nhà báo Mai Ngọc Phước nói.
Khuyến khích lối sống có trách nhiệm
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon. Chiến lược này đặt con người làm trung tâm, khuyến khích lối sống có trách nhiệm, nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh dựa vào thể chế, khoa học công nghệ hiện đại và nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số và hạ tầng bền vững.
Bình luận (0)