Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn có nhiều thuận lợi khi quy mô, tiềm lực không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm Đổi mới.
Bên cạnh đó, các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo... tiếp tục được nâng cao. Một số luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và thực tiễn phát sinh.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, năm 2024, bên cạnh trụ cột đầu tư công, Chính phủ cần tiếp tục tập trung vào 2 trụ cột khác là xuất khẩu và thị trường nội địa. Cụ thể, cần thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định tỉ giá hối đoái, mạnh dạn kích thích tiêu dùng trong nước sau 1 năm ghi nhận sự sụt giảm; tháo gỡ bằng được các điểm nghẽn của dự án bất động sản cũng như thúc đẩy tín dụng cho lĩnh vực này.
"Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong năm qua nhưng không ít chính sách chưa đạt mục tiêu. Nếu chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện và thúc đẩy mạnh hơn những chính sách đó trong năm 2024 thì mục tiêu tăng trưởng từ 6% - 6,5% là khả thi" - TS Trần Du Lịch nhận định.
Bình luận thêm về chính sách tín dụng, theo TS Trần Du Lịch, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành để kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường. Song, vẫn cần xem xét thêm các chính sách hỗ trợ về tài chính, vốn để nuôi dưỡng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
GS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci và Giám đốc phát triển quốc tế Tổ hợp Đại học De Vinci (Pháp) - cho rằng động lực tăng trưởng của Việt Nam còn rất lớn. Vì vậy, trong năm 2024, Chính phủ có thể cân nhắc các giải pháp đầu tư cho tương lai, thúc đẩy chương trình "make in Vietnam" để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm của Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, cần được phát huy tối đa để có thể đưa nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và người dân chảy vào nền kinh tế. Về động lực đầu tư nước ngoài, bên cạnh hình thức đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, có thể cân nhắc hình thức đầu tư hợp tác công - tư để thu hút những nhà đầu tư lớn với trình độ chuyên môn cao và kỹ năng quản lý giỏi vào những dự án trọng điểm, chiến lược của Việt Nam.
Trong khi đó, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN - Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu Ngân hàng HSBC, đánh giá thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam có tiềm năng lớn khi các nhà đầu tư nước ngoài đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội sinh lời. Bà Liu cho rằng Việt Nam đóng vai trò một "ngôi sao" đang lên trong khai phóng tiêu dùng, bất chấp những khó khăn mang tính chu kỳ.
"Dù tỉ lệ xe máy trong vai trò phương tiện giao thông cá nhân vẫn còn cao ở Việt Nam - khoảng 70% - nhưng số lượng người mua ô tô dần tăng lên. Thu nhập bình quân đã tăng nhanh hơn mức chi tiêu, trợ lực cho tiêu dùng gia tăng. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới nổi cũng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội kinh doanh nhờ nhu cầu chi tiêu của người Việt Nam gia tăng" - bà Liu phân tích.
Bà Liu cũng cho rằng dòng vốn từ Nhật Bản đổ vào lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tài chính tăng mạnh chính là minh chứng cho nhận định trên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu tiềm năng đáng kể để phát triển các kênh cho vay chính thống - vốn vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển.
Theo ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế về Thái Lan và Việt Nam - Ngân hàng Standard Chartered, triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải carbon.
"Xuất nhập khẩu đang phục hồi nhưng sự phục hồi của vốn đầu tư nước ngoài còn mờ nhạt. Các thách thức của thương mại toàn cầu có thể là một rủi ro chính" - ông Tim Leelahaphan lưu ý.
Cho rằng việc nới lỏng tiền tệ có thể sắp kết thúc do kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi song ông Tim Leelahaphan cũng kỳ vọng lãi suất sẽ được giữ nguyên cùng với chính sách cân bằng giữa hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và kiểm soát lạm phát gia tăng.
Bình luận (0)