Theo Bộ Nội vụ, khoảng 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng bởi quá trình tinh giản biên chế. Trong số này, nhiều người còn trẻ, chưa đủ tuổi nghỉ hưu, phải rời khỏi khu vực công khi các cơ quan sáp nhập hoặc tái cơ cấu.
Bước ngoặt sự nghiệp
Rời bỏ công việc công chức ổn định sau 5 năm gắn bó, anh Đỗ Thanh Phong (28 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) quyết định bước vào môi trường doanh nghiệp tư nhân (DNTN) với nhiều thử thách và kỳ vọng.
Từng là công chức địa chính tại một phường ở quận Bình Thạnh (TP HCM), anh Phong cho biết công việc hành chính tuy áp lực nhưng vẫn không bằng khi đảm nhận vị trí mới là trưởng nhóm pháp lý xây dựng tại một công ty tư nhân, nơi anh đang trong giai đoạn thử việc.
"Tôi đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng nhưng vẫn bị sốc vì nhịp độ làm việc tại DNTN quá nhanh. May mắn là tôi có nền tảng pháp lý tốt nhờ công việc cũ, cộng với chuyên môn phù hợp nên vẫn xử lý được mọi việc" - anh Phong tự tin nói.

Nhóm công chức trẻ đang tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới Ảnh: HUỲNH NHƯ
Không chỉ khác biệt về nhịp độ làm việc, thu nhập cũng là yếu tố khiến anh Phong cảm nhận rõ sự chênh lệch. Anh cho biết mức lương hiện tại gần gấp 3 lần so với khi còn là công chức. Điều khiến anh ấn tượng nhất là cách vận hành linh hoạt, hiệu quả của DNTN. Mọi người làm việc bất kể thời gian, quy trình rõ ràng, minh bạch, không trì trệ.
Chị Hồ Thu H. (29 tuổi), nguyên là công chức tài chính - kế toán tại một xã ở huyện Củ Chi (TP HCM), cũng quyết định rời khỏi bộ máy hành chính sau hơn 8 năm công tác. Khi đọc kỹ chủ trương sắp xếp lại tổ chức cấp xã, chị nhận ra mình có lợi thế chuyên môn và tuổi trẻ, dễ thích nghi với môi trường mới hơn nhiều đồng nghiệp.
Chủ động nộp đơn xin nghỉ, chị ứng tuyển vị trí kế toán ở một DNTN gần nhà và trúng tuyển ngay từ vòng phỏng vấn đầu tiên. "Khó khăn nhất là ra được quyết định rời biên chế. Nhưng khi có công việc mới, tôi tự tin hơn rất nhiều. Làm tư nhân hay nhà nước thì mình đều phải hoàn thành tốt công việc. Chỉ khác là ở đây công việc có phần nhiều hơn và áp lực hơn" - chị H. nói.
Chị đánh giá môi trường làm việc mới rất tích cực, đồng nghiệp hòa đồng, hỗ trợ lẫn nhau, lãnh đạo xử lý công việc nhanh và minh bạch. Quan trọng nhất, công việc hiện tại vẫn đúng chuyên môn kế toán nên chị không gặp nhiều trở ngại trong thích nghi. Chị cảm thấy rất hài lòng với nơi làm việc mới, bởi đây là bước ngoặt trong sự nghiệp của mình.
Cần chính sách phù hợp
Mới đây, Sở Nội vụ TP HCM tổ chức tọa đàm tìm giải pháp hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không chuyên trách cấp xã bị dôi dư sau tinh giản biên chế. Mục tiêu là giúp lực lượng này tiếp tục phát huy năng lực, hòa nhập vào thị trường lao động tư nhân.
Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, khẳng định tinh gọn bộ máy là yêu cầu tất yếu trong xây dựng nền hành chính hiện đại. Nhưng quá trình này đặt ra bài toán giải quyết việc làm cho đội ngũ dôi dư. TP HCM, với hàng trăm ngàn nhu cầu tuyển dụng mỗi năm, là nơi lý tưởng để kết nối lại lực lượng này nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Theo bà Tới, TP HCM sẽ có khoảng 5.562 cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã bị dôi dư trong thời gian tới. Đây là lực lượng có trình độ tối thiểu là cử nhân, nhiều người sở hữu học vị thạc sĩ, tiến sĩ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kỹ thuật, pháp luật…
Đáng chú ý, họ có kỹ năng giao tiếp tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp, khả năng xử lý công việc áp lực cao và am hiểu hệ thống hành chính. "Nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhóm này hoàn toàn có thể đáp ứng tốt yêu cầu của khu vực tư nhân, góp phần tạo lực đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố" - bà Tới nhấn mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, nhận định đội ngũ công chức dôi dư là nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm nhưng để thích nghi với môi trường lao động tư nhân, họ cần chủ động thay đổi tư duy, nâng cao kỹ năng mềm, đồng thời làm quen với các phương thức tiếp cận hiện đại như trí tuệ nhân tạo, tuyển dụng trực tuyến…
Ông Tuấn cho rằng để hòa nhập vào thị trường lao động hiện tại, mỗi cá nhân cần chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm, thích nghi với môi trường làm việc mới. "Bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ của nhà nước và xã hội là rất quan trọng - từ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp đến chính sách tài chính cho DN tiếp nhận lao động chuyển đổi nghề, nhằm giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và phát triển sự nghiệp mới" - ông Tuấn đề xuất.
4 chế độ dành cho công chức nghỉ thôi việc
Đối với cán bộ, công chức không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng 4 chế độ gồm: trợ cấp thôi việc nếu nghỉ trong thời hạn 12 tháng bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc. Nếu nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc (tối đa 60 tháng); được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc; được bảo lưu thời gian đóng hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH; được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
Bình luận (0)