Chung quanh cuộc bình chọn “Các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn ý kiến các doanh nghiệp (DN) cho rằng khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ người lao động (NLĐ) là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho NLĐ hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động. Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) khẳng định đây là một nhận định hết sức chủ quan, phiến diện và sai lệch.
Tất cả chăm lo cho NLĐ
Hiện nay, theo quy định, nguồn kinh phí 2% từ quỹ lương của NLĐ do DN trích nộp sẽ dành cho cơ sở 65%, phần 35% còn lại nộp về CĐ cấp trên để điều phối cho hoạt động chung của tổ chức CĐ. Với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm trung tâm cho mọi hoạt động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có chủ trương nâng dần tỉ lệ để lại cho cơ sở cho đến khi đạt đến mức 75%. “Kiểm tra, giám sát thu - chi kinh phí CĐ; công khai, minh bạch nguồn thu và sử dụng hiệu quả kinh phí CĐ, đoàn phí là yêu cầu nghiêm ngặt mà các cấp CĐ, đặc biệt là CĐ cơ sở, phải thực hiện” - ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Có thể thấy rõ điều này trong hoạt động của các cấp CĐ TP HCM. Tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao; quận 9, TP HCM), kinh phí CĐ luôn được CĐ cơ sở sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và minh bạch, làm hài lòng công nhân (CN) lẫn ban giám đốc. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết đầu năm, CĐ chủ động lập kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động trong năm, từ tặng quà đến tổ chức du lịch cho CN. Với mỗi hoạt động dù lớn hay nhỏ, CĐ đều dự trù kinh phí và thời gian thực hiện. Hằng quý, CĐ công khai tình hình thu chi tài chính tại bản tin CĐ để tất cả CN và ban giám đốc được biết.
Lấy sự hài lòng của CN làm thước đo, riêng với hoạt động nghỉ mát hằng năm, CĐ chủ động khảo sát nguyện vọng của CN. Nhờ cách làm công khai và minh bạch này mà nguồn kinh phí luôn được sử dụng hiệu quả. “Chúng tôi cân - đo - đong - đếm kỹ làm sao cho mỗi đồng tiền bỏ ra đều đem lại điều tốt nhất cho CN. Ngoài các hoạt động lớn như cùng với DN tổ chức tất niên, du lịch, CĐ cơ sở còn tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ như tặng quà các dịp lễ, Tết, hỗ trợ CN khi ốm đau hoặc khó khăn đột xuất”. Hiện CĐ công ty đang khảo sát nhu cầu giải trí của CN để thiết kế những sân chơi phù hợp, trước mắt, CĐ sẽ trang bị một số bàn billiard, bóng bàn để phục vụ CN trong giờ giải lao.
Chứng kiến hiệu quả hoạt động chăm lo của CĐ cơ sở, ngoài trích nộp 2% kinh phí, mỗi năm, ban giám đốc còn đầu tư nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca và chi hàng trăm triệu đồng để tổ chức xe đưa CN về quê ăn Tết.
Nêu cao tinh thần phục vụ NLĐ cũng là kim chỉ nam của CĐ Công ty CP Saigon Food (KCN Vĩnh Lộc, TP HCM). Ở đây, cả CN và DN đều có quyền góp ý xây dựng, góp ý cho hoạt động CĐ thông qua “Phiếu tiếp nhận ý kiến và chia sẻ thông tin”. Cuối mỗi năm, CĐ tiến hành khảo sát ý kiến của toàn thể NLĐ về phúc lợi, môi trường làm việc, mức độ quan tâm của ban giám đốc với CN và chất lượng hoạt động CĐ. Với cách làm này, hạn chế trong quản lý, điều hành đều được nhận diện và tổ chức lại cho phù hợp đồng thời cũng tăng tính hiệu quả trong sử dụng kinh phí CĐ. “Chúng tôi chỉ thực hiện những gì CN ủng hộ. Nhiều năm qua, mọi hoạt động CĐ đều được thiết kế trên cơ sở sự đồng thuận của số đông CN. Điều này cũng giúp CN gắn bó với DN hơn. Ở công ty chúng tôi, rất nhiều CN gắn bó trên 10 năm. Bản thân họ cũng giới thiệu con em mình vào công ty để làm việc. Nhờ đó, DN ngày càng tin cậy CĐ” - bà Huỳnh Minh Hoa, Chủ tịch CĐ Saigon Food, chia sẻ.
Minh bạch, công khai
Trái với lập luận của VCCI khi cho rằng việc trích nộp 2% kinh phí CĐ là “gánh nặng”, khảo sát nhanh của Báo Người Lao Động tại 100 DN đóng trên địa bàn TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy nhiều người sử dụng lao động không chỉ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trích nộp mà còn hỗ trợ thêm kinh phí cho CĐ hoạt động.
Điển hình là Công ty CP APT - KCN Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM). Bà Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch CĐ, cho biết: “Việc trích nộp 2% kinh phí CĐ được DN thực hiện khá tốt, nhờ vậy hoạt động CĐ gặp rất nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, nguồn đoàn phí và kinh phí mỗi năm chỉ hơn 100 triệu đồng, không đủ để CĐ triển khai hoạt động nên hằng tháng DN cho phép CĐ sử dụng nguồn thu từ việc bán phế liệu (20-30 triệu đồng) để chăm lo thêm cho CN. Số thu từ kinh phí, đoàn phí CĐ, kể cả các khoản thu thêm được CĐ công ty sử dụng hiệu quả”.
Từ các nguồn nói trên, CĐ cũng tổ chức nhiều hoạt động: tặng quà 8-3, 20-10, ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, quà Tết, chăm lo cho CN khó khăn... Không những thế, hằng năm, CĐ công ty đều tổ chức nghỉ mát cho toàn thể NLĐ với sự hỗ trợ kinh phí từ DN. “Minh bạch các nguồn thu và sử dụng hiệu quả vào việc chăm lo nên ban giám đốc hoàn toàn tin tưởng vào CĐ” - ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP APT, nhận xét.
Tương tự, việc trích nộp 2% kinh phí cũng được Công ty CP May Sài Gòn (thuộc Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định) tuân thủ đầy đủ. Từ nguồn kinh phí này, CĐ tổ chức xe đưa rước CN về quê, tặng quà Tết, tổ chức các chương trình hội thao, văn nghệ. Bên cạnh đó, CĐ còn hỗ trợ các nữ CN có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân nuôi con là 500.000 đồng/bé/tháng. Mỗi tuần, vào ngày thứ bảy, CĐ hỗ trợ trái cây, yaourt cho bữa ăn giữa ca của CN. Khi trời nắng nóng, CĐ cũng trích tiền để nấu nước mát, pha đá chanh cho CN uống giải nhiệt.
“Chi phí cho hoạt động hằng tháng đều được CĐ công khai nên ban giám đốc rất ủng hộ” - bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết.
Đủ cơ sở pháp lý về tài chính Công đoàn
Trả lời VCCI, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng CĐ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp CN và NLĐ Việt Nam. Xuất phát từ vai trò, vị trí của tổ chức CĐ trong hệ thống chính trị, trong sự nghiệp phát triển kinh tế và đời sống xã hội, Đảng và nhà nước đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật liên quan đến cơ chế bảo đảm các điều kiện cần thiết cho CĐ hoạt động. Luật CĐ năm 1957, Luật CĐ năm 1990, Nghị quyết số 20/NQ-BCHTW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp CN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” và Luật CĐ năm 2012 đã quy định về tài chính CĐ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức CĐ hoạt động, chăm lo, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
“Cho nên, VCCI hay bất cứ ai không có quyền nhân danh cuộc bình chọn để phủ nhận một chính sách tốt đẹp dành cho NLĐ. Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là đề nghị VCCI dừng việc bình chọn đó” - ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh.
Bình luận (0)