Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và Bộ Kinh tế - Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến về thúc đẩy các thỏa thuận song phương trong lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội sau dịch Covid-19.
Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế nói chung và lao động, việc làm nói riêng rất khác nhau giữa các quốc gia. Nhóm lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng lao động, lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi, phụ nữ, lao động di cư là những nhóm dễ bị tổn thương dưới tác động của dịch bệnh.
Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động Việt Nam ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với 75% dân số trong độ tuổi lao động, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức ILO ước tính, đại dịch Covid-19 khiến hơn 22 triệu người lao động Việt Nam đứng trước rủi ro cao về việc làm.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo. Ảnh MOLISA
Tại hội thảo, hai bên đều cho thấy người lao động và các doanh nghiệp đều cần quay trở lại hoạt động kinh tế như bình thường để mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới 2,7 tỉ lao động, chiếm 81% lực lượng lao động toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo ILO ước tính, dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng từ 1,6 đến 10,3 triệu lao động bị hoãn lương hoặc thất nghiệp khi nhiều lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng từ du lịch, nhà hàng, khách sạn và xuất nhập khẩu…
Bên cạnh đó, hai bên đã trao đổi tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ người dân dưới tác động của Covid-19 và giúp người lao động quay trở lại làm việc, xu hướng để tái cơ cấu lao động là đào tạo, tái đào tạo và tạo việc làm, duy trì việc làm cho người lao động sau đại dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn thời gian tới, các cơ quan phía Thụy Sĩ, Tổ chức ILO sẽ cùng đồng hành cùng Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ Việt Nam trong hiện thực hiện hóa những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đảm bảo an ninh việc làm, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực và chính sách lao động việc làm để đón đầu các cơ hội đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh mới, cũng như giảm thiểu các rủi ro, tạo đà khởi sắc cho thị trường lao động Việt Nam, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dịp này, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Kinh tế - Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), tái khẳng định cam kết của cả hai nước đối với các mục tiêu của Tổ chức ILO và sự hiểu biết lẫn nhau rằng hợp tác song phương về những vấn đề lao động và việc làm sẽ đóng góp cho các thành tựu đạt được của cả hai bên. MOU được thực hiện thông qua đối thoại cấp cao về lao động giữa ba bên, các cuộc họp chuyên gia, các chương trình hợp tác phát triển kinh tế cũng như các hội nghị chung.
Bình luận (0)