Các đại biểu tham gia Đại hội Công đoàn XI TP HCM Ảnh: QUANG LIÊM
Đại hội có sự tham dự của 550 đại biểu chính thức, trong đó có 42 đại biểu ban chấp hành đương nhiệm, 491 đại biểu được bầu từ đại hội CĐ cấp trên cơ sở và công đoàn trực thuộc, 17 đại biểu chỉ định.
Tại phiên làm việc thứ nhất, đại biểu đã thống nhất bầu ra đoàn chủ tịch (gồm 9 thành viên), đoàn thư ký gồm (3 thành viên), ban thẩm tra tư cách đại biểu. Đại hội đã biểu quyết thông qua chương trình làm việc, quy chế Đại hội và báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội.
Toàn cảnh phiên trù bị Đại hội Công đoàn XI TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại phiên trù bị, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, đã thay mặt Đoàn chủ tịch thông qua báo tổng tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo Văn kiện Đại hội XI CĐ TP, dự thảo Văn kiện Đại hội XII CĐ Việt Nam và ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐ Việt Nam.
Theo đó, có 37.711 lượt ý kiến đã góp ý cho dự thảo, trong đó đa số ý kiến thống nhất với bố cục, nội dung dự thảo. Các ý kiến đánh giá cao các hoạt động chăm lo của tổ chức CĐ: Tết sum vầy, Trái tim nghĩa tình, Tấm vé nghĩa tình, khám sức khỏe cho đoàn viên, người lao động (NLĐ)… Đẩy mạnh việc giám sát chấp hành các chính sách pháp luật đối với đoàn viên, NLĐ; tham gia xây dựng các chính sách an sinh cho NLĐ… giúp đoàn viên, NLĐ an tâm, tin tưởng vào tổ chức CĐ.
Đại biểu thông qua chương trình làm việc tại đại hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng lưu ý là CNVC-LĐ TP góp ý Chính phủ sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ, viên chức và NLĐ nhất là đối tượng giáo viên, nhân viên y tế phường xã, thị trấn để CNVC-LĐ có thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Khi sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động cần nghiên cứu đơn giản thủ tục đình công và được đình công về quyền, đình công về lợi ích để tổ chức CĐ thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, đình công theo quy định pháp luật. Việc điều chỉnh tuổi hưu và lộ trình nâng tuổi hưu cần nghiên cứu cho phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề. Đối với công nhân (CN) trực tiếp sản xuất trong điều kiện bình thường như giữ hiện nay (nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi) và xem xét giảm tuổi hưu đối với CN làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại.
Thời gian gần đây, tình trạng chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, không giải quyết chế độ cho NLĐ nhưng việc xử lý tài sản của DN để giải quyết kịp thời cho NLĐ gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan hướng xử lý nhanh tài sản của DN để giải quyết chế độ cho NLĐ. CNVC-LĐ cũng đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành quy định về tiêu chuẩn, chức danh cán bộ CĐ để làm cơ sở cho công tác tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ cho phù hợp với thực tiễn.
Các đại biểu tham gia Đại hội Công đoàn XI TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
CNVC-LĐ kiến nghị Thành ủy TP chỉ đạo các cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ trong các đơn vị, doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước và đơn vị, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều năm qua TP HCM có chủ trương chăm lo nhà ở xã hội dành cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhà ở, nhà lưu trú cho CN. CNVC-LĐ đề nghị UBND TP nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho CN.
Đại biểu thông qua chương trình làm việc tại đại hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau phần báo cáo ý kiến đóng góp cho dự thảo Văn kiện Đại hội XI CĐ TP, dự thảo Văn kiện Đại hội XII CĐ Việt Nam, các đại biểu tham dự đại hội được phân bổ về 3 trung tâm đối thoại với sự tham dự của lãnh đạo TP.
Các đại biểu tại các trung tâm sẽ thảo luận, đối thoại 3 chuyên đề: Các giải pháp, kiến nghị nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho công nhân, viên chức, lao động; Đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn, tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch vững mạnh; Nâng cao năng lực của cán bộ CĐ, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức, lao động.
Tại chương trình đối thoại với chủ đề "Đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh" nhiều đại biểu đã nêu lên những vấn đề "nóng" dành cho tổ chức CĐ.
Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP HCM lắng nghe ý kiến của các đại biểu. Ảnh : HOÀNG TRIỀU
Ông Lương Văn Minh, Phó chủ tịch CĐ ngành Y tế cho biết Bộ Luật Lao động, Luật CĐ có quy định rõ về việc thành lập CĐ tại đơn vị nhưng một số cơ sở y tế ngoài công lập lại đặt lợi ích lên hàng đầu, phớt lờ quy định này dù đã được vận động. "Nếu luật đã quy định thì cần phải có biện pháp chế tài đối với những trường hợp này để đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh" -ông Minh góp ý.
Từ thực tiễn 15 năm làm chủ tịch CĐ, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch CĐ Cơ quan Đảng quận 3 đúc kết phương thức tập hợp đoàn viên: "Nên phân bổ một đồng chí chuyên trách phụ trách những cụm CĐ cơ sở để việc triển khai nhanh gọn, kịp thời hơn, bớt được thời gian hội họp. Bên cạnh đó cần phát huy dân chủ ở cơ sở: Công khai các khoản thu chi hàng tháng, hàng quý để đoàn viên thấy và hiểu được công việc của CĐ. Các ý kiến kiến nghị của đoàn viên gửi cho CĐ thì CĐ phải kiến nghị, thương lượng với chính quyền để tạo được uy tín với đoàn viên. Đảng, chính quyền nên sắp xếp thời gian gặp gỡ cán bộ CĐ hàng quý để hiểu và giải quyết những vướng mắc trong hoạt động CĐ".
Đại biểu phát biểu ý kiến tại chương trình đối thoại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Góp ý cho chính sách cán bộ, ông Ngô Thanh Bắc, Chủ tịch LĐLĐ quận 6 lại cho rằng cần linh hoạt tạo điều kiện cho cán bộ CĐ được thử thách ở nhiều nhiệm vụ khác nhau. Qua đó rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực cũng nhu cơ hội phát triển hơn cho đội ngũ này. Theo ông Bắc, tuyển công chức tham gia công tác CĐ là một chủ trương hay, nhưng cần có kế hoạch đào tạo để công chức đó tiếp cận công việc được nhanh chóng. "Thực tế có nhiều công chức khi về cơ sở phải học tập từ đầu, làm mất nhiều thời gian để CĐ đó phát huy hiệu quả công chức ấy. Tôi đề nghị có cơ chế cho phép LĐLĐ quận/huyện được tuyển dụng công chức cấp quận để mọi việc được tiến triển nhanh hơn"- ông Bắc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM, lắng nghe ý kiến của các đại biểu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại tổ thảo luận nhóm với chủ đề "Chính sách pháp luật, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ" nhiều đại biểu đã nêu lên những vướng mắc trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Bà Nguyễn Thị Kim Vui, Trưởng Ban Dân vận quận Tân Phú trăn trở: "Tổ chức CĐ lớn mạnh nhưng cán bộ CĐ chưa ngang tầm quy mô. Cụ thể ở quận Tân Phú, cán bộ CĐ chuyên trách rất khó tuyển bởi theo quy định họ phải là công chức mới được tuyển vào mà thời gian qua TP không thi tuyển công chức. Ngoài ra, đối với DN nhà nước có hơn 5.000 công nhân phải có cán bộ CĐ chuyên trách. Như vậy ai sẽ là người trả lương cho họ? Nếu cán bộ CĐ vừa lao động sản xuất vừa phải kiêm nhiệm đoàn thể thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình công tác".
Đại biểu phát biểu ý kiến tại chương trình đối thoại. Ảnh HOÀNG TRIỀU
Còn ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty May mặc Triple Việt Nam bày tỏ: "Luật CĐ và Bộ luật Lao động ghi nhiều nhưng không có gì bảo vệ cán bộ CĐ. Cán bộ CĐ cũng chỉ vì chén cơm manh áo, nếu "nhiệt tình" bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, chẳng may họ bị mất việc làm thì làm sao?".
Trong khi đó, ở góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Thu, Phó giám đốc BHXH TP trăn trở: "Luật BHXH 2016 không quy định BHXH có quyền khởi kiện DN nợ. Tuy nhiên cơ quan BHXH cũng báo cáo cấp trên cho phép khởi kiện và được chấp thuận hỗ trợ. Ngoài ra Luật BHXH 2016 có chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không thể vừa thanh tra vừa khởi kiện được".
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM:
Cán bộ CĐ cần đi trước, đón đầu
TP HCM đang có chính sách đào tạo cán bộ lãnh đạo từ giai cấp công nhân. Từ chương trình này đã có những người xuất thân từ CN, được đào tạo bồi dưỡng trở thành lãnh đạo TP. Do đó, chúng ta phải có chính sách và bảo vệ chính cán bộ CĐ. TP có chính sách cho cán bộ chuyên trách CĐ ở các nơi nhưng chưa rộng rãi.
Trong quá trình hội nhập, cán bộ CĐ phải làm sao để CN thấy CĐ là của họ mà không cần phải tổ chức thêm tổ chức nào của riêng mình nữa thì đó là nhiệm vụ của cán bộ CĐ. Đây là sứ mệnh của tổ chức CĐ. Nếu không tự đổi mới cách thức hoạt động thì tổ chức CĐ sẽ đứng bên ngoài cuộc sống của người lao động.
Bình luận (0)