Suốt 40 năm từ khi đảm nhận chức vụ đầu tiên là tổ phó Công đoàn cho đến hôm nay khi đang giữ vị trí cao nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam, hỏi ông Đặng Ngọc Tùng đã bao giờ hoạt động Công đoàn gặp khó như bây giờ, ông cười: “Thời nào cũng có cái khó riêng nên không thể so sánh. Tuy nhiên, chưa bao giờ vì khó khăn mà cán bộ Công đoàn lùi bước”.
Một thời khó quên
Đối với ông, những năm tháng làm cán bộ Công đoàn ở TP HCM là quãng thời gian sôi động nhất, tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhất góp phần quan trọng vào việc định hướng tổ chức và hoạt động Công đoàn sau này. TP HCM những năm 1990 thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ. KCX Tân Thuận và KCX Linh Trung ra đời, trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế của TP. Tuy nhiên, sự dị biệt về ngôn ngữ, tập quán, văn hóa, cách thức quản lý... lại dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp lao động. Đình công liên miên, có nhiều vụ đình đám, kéo dài cả tuần tại Sam Yang, Huê Phong... Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi ấy là Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cũng là một trong những cán bộ Công đoàn “chuyên trị đình công” - nhớ lại: “Hồi đó, giải quyết tranh chấp rất cực nhưng thật hạnh phúc vì khi bị xâm phạm quyền lợi, người lao động luôn gọi đến Công đoàn, chính cán bộ Công đoàn là những người có mặt trước tiên bên công nhân...”.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (bìa trái) trao thưởng cho cá nhân đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng 2015. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều cán bộ Công đoàn TP HCM mỗi dịp gặp nhau hay nhắc về những năm tháng sôi động đi giải quyết tranh chấp ấy. Cán bộ Công đoàn thật sự “cùng ăn, cùng ở, thức suốt đêm cùng công nhân”. “Tôi làm chủ tịch LĐLĐ
TP HCM từ năm 1998. Thời ấy, Công đoàn TP rất “đau đầu” bởi khu vực nóng bỏng nhất trong quan hệ lao động lại khó khăn chồng lên khó khăn. Nhớ lại, tôi luôn thấy tự hào về đội ngũ cán bộ của mình. Không có kinh phí hoạt động nhưng anh em vẫn trụ vững. Bây giờ, đã có cơ chế, chính sách rõ ràng, ở một góc độ nào đó thì so ra vẫn thuận lợi hơn trước rất nhiều” - ông tâm sự.
Bản sắc Công đoàn Việt Nam
So với khi đất nước chưa mở cửa thì hiện nay, vị trí tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thiết lập quan hệ với hơn 150 tổ chức, phong trào công nhân và Công đoàn các nước. Là Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong mắt bè bạn 5 châu. Ông nói rằng do thể chế chính trị của mỗi nước khác nhau nên cơ chế hoạt động của tổ chức Công đoàn cũng không giống nhau. Tuy nhiên, về bản chất, Công đoàn luôn là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nên chúng ta có thể học hỏi những cách làm hay của họ để hoạt động Công đoàn luôn có sức thu hút, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người lao động.
Ông hay dùng từ “thuộc tính” để nói về chức năng đại diện của Công đoàn. Dù vậy, với tổ chức Công đoàn Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ thì Công đoàn cũng đồng hành với doanh nghiệp chăm lo cho người lao động, vì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. “Đó là sự khác biệt của tổ chức Công đoàn Việt Nam so với tổ chức Công đoàn ở nhiều nước. Trên thế giới, không có tổ chức Công đoàn nào quan tâm chăm lo từ chuyện ăn, ở, học hành, nâng cao tay nghề, trợ vốn để người lao động nghèo tạo việc làm, lo từng tấm vé xe cho công nhân khó khăn về quê ăn Tết; vận động chủ nhà trọ không tăng giá nhà, giá điện nước để giảm bớt khó khăn cho công nhân... Đó chính là chất keo gắn kết người lao động với tổ chức Công đoàn” - ông nói.
Chỉ rõ điều này song người đứng đầu Công đoàn Việt Nam cũng khẳng định: “Nói như vậy không có nghĩa là Công đoàn lo làm những việc khác mà quên đi thuộc tính đại diện của mình. Rất nhiều anh em ở cơ sở vừa được công nhân yêu mến, tin cậy vừa được lãnh đạo doanh nghiệp quý mến, tôn trọng dù họ không hề né tránh trong đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho công nhân”. Ông kể ra những cái tên như Liêu Quang Vinh, Công ty Freetrend (KCX Linh Trung); Củ Phát Nghiệp, thủ lĩnh Công đoàn Công ty Pou Yuen - doanh nghiệp có đông công nhân nhất nước; Phạm Duy Bắc, cán bộ chuyên trách Công đoàn các KCX-KCN TP HCM...
Tiếng nói đáng tin, tấm lòng đáng quý
Bốn nhiệm kỳ là đại biểu của công nhân, Công đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến đối tượng này: Phục hồi chế độ nghỉ ngơi, dưỡng sức; thay đổi quy định về mức tiền lương làm căn cứ trả trợ cấp khi doanh nghiệp cổ phần hóa, Công đoàn được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa, không tăng thời gian làm thêm; toàn bộ người lao động có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên được tham gia BHXH; không tăng tuổi hưu cho lao động nữ; kéo dài thời gian nghỉ thai sản, sửa đổi chính sách BHXH, sửa Luật Công đoàn với việc luật hóa kinh phí Công đoàn, sửa đổi các quy định về đình công, tăng lương tối thiểu...
Rất nhiều lớp cán bộ Công đoàn đã học tập ông về sự sâu sát, gần gũi, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người lao động. Đó chính là những chất liệu quý làm cho tiếng nói của ông mỗi khi vang lên ở diễn đàn Quốc hội lại có sức nặng, thu hút sự quan tâm của các đại biểu, làm an lòng cử tri mà ông đại diện. Bốn nhiệm kỳ làm đại biểu của công nhân, mái tóc xanh ngày nào của ông đã có rất nhiều sợi bạc. Những vết hằn ngày càng nhiều hơn trên vầng trán vốn đã nhiều suy tư vì công nhân, Công đoàn. Tuy vậy, nếu ai đó có dịp gần gũi ông sẽ thấy nơi con người ấy vẫn sục sôi một bầu nhiệt huyết, một tình yêu không gì lay chuyển dành cho tổ chức Công đoàn và những người lao động.
Tôi hỏi ông về những điều ông muốn gửi gắm cho tổ chức Công đoàn trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” trước mắt, ông liền nhắc đến việc phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; Công đoàn phải tự làm mới để tạo ra hấp lực và chú ý nâng cao vai trò của Công đoàn trong tổ chức, lãnh đạo đình công... “Về kinh phí Công đoàn, tôi luôn nhắc nhở các cấp Công đoàn phải dè sẻn, kiên quyết chống mọi biểu hiện lãng phí, thực hiện nghiêm công khai tài chính, thực hành tiết kiệm” - thủ lĩnh Công đoàn Việt Nam nhấn mạnh.
Ở con người ấy vẫn sục sôi một bầu nhiệt huyết, một tình yêu dành cho Công đoàn và người lao động.
Ghi đậm dấu ấn
Trong buổi triển lãm các công trình thiết kế Khu Tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa mới đây, ông xúc động nói: “Cuối cùng thì ước mơ cháy bỏng của hàng triệu người dân nước Việt sắp thành hiện thực: Ngày 11-1-2016, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Tổng LĐLĐ Việt Nam làm lễ đặt viên đá xây dựng Khu Tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Đây chính là tượng đài ghi dấu chủ quyền, ghi ơn những người đã ngã xuống, đã lấy máu xương bồi đắp cho Tổ quốc trường tồn”.
Khu tưởng niệm này cùng với nghiệp đoàn nghề cá và Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là những công trình in đậm dấu ấn của người cán bộ Công đoàn, người con của quê hương Quảng Ngãi Đặng Ngọc Tùng.
Bình luận (0)