Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2020 diễn ra sáng 1-4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo về gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra trị giá hơn 61.500 tỉ đồng. Báo cáo trước Thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là những giải pháp về lĩnh vực an sinh xã hội có tính cấp bách được trình Chính phủ góp ý kiến nhằm hoàn thiện gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
San sẻ kịp thời
Ngoài chính sách hỗ trợ cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội, đáng lưu ý là dự thảo cũng đề cập việc hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn. Cụ thể, từ tháng 4 đến hết tháng 6-2020, NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các DN sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có HĐLĐ mất việc làm sẽ được nhận mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/tháng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết 2 chính sách khác nhằm hỗ trợ đặc thù cho áp dụng quy trình đơn giản hóa, tạo điều kiện cho NLĐ gửi hồ sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ có đóng BHXH bị nghỉ việc tạm vì Covid-19 được dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng dịch. NSDLĐ sẽ được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định của Luật Việc làm, thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, NSDLĐ sẽ được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% với mức vay tối đa là 50% mức lương tối thiểu vùng tháng/người để trả lương NLĐ bị ngừng việc trong 3 tháng. Thời hạn vay không quá 12 tháng. Đồng thời, NSDLĐ cũng có trách nhiệm tự lo nguồn để thanh toán 50% còn lại cho NLĐ.
Người lao động bị mất thu nhập do dịch bệnh (bên trái) nhận hỗ trợ từ LĐLĐ TP HCM và LĐLĐ quận 8 Ảnh: THANH NGA
Cơ bản nhất trí với các gói chính sách hỗ trợ NLĐ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, có tiêu chí hỗ trợ cụ thể theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ một bộ phận thực sự khó khăn, bị mất việc. Thủ tướng yêu cầu các DN phải bảo đảm nguồn cùng chi trả thêm tối thiểu 50% lương tối thiểu hằng tháng. Nếu DN không đủ nguồn để chi trả tối thiểu 50% lương tối thiểu cho lao động thì thực hiện vay Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam với lãi suất ưu đãi và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bổ sung nguồn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương phải xác định rõ đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, không được gian dối, trục lợi.
Bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng
Tiếp xúc với chúng tôi ngay sau khi Chính phủ thông qua gói chính sách hỗ trợ nói trên, nhiều DN, cán bộ Công đoàn, đặc biệt là NLĐ, rất đồng thuận.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (KCN Tân Tạo; quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng chính sách của Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là một quyết sách kịp thời lúc này. Theo ông Dũng, hiện nay rất nhiều DN gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu đơn hàng, thị trường tiêu thụ bị đóng băng do ảnh hưởng dịch bệnh… Chính vì thế, rất nhiều NLĐ gặp khó khăn, không việc làm, không thu nhập. Sau mỗi NLĐ là một gia đình, vì thế, nếu không hỗ trợ kịp thời, rất nhiều gia đình sẽ khó khăn. "Mức hỗ trợ 1 - 1,8 triệu đồng/người/tháng không nhiều nhưng vô cùng quý giá trong lúc này. Mức hỗ trợ này giúp NLĐ mua được thực phẩm, duy trì được cuộc sống tối thiểu để chờ qua mùa dịch bệnh. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, tôi nghĩ rằng các tổ chức, đơn vị, DN, cá nhân… có điều kiện nên chung tay hỗ trợ NLĐ, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh" - ông Dũng cho biết.
Còn ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM), cho rằng dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo và NLĐ. Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội cho một số nhóm đối tượng, nhất là NLĐ bị mất việc làm, thể hiện sự quan tâm, sâu sát của Chính phủ đối với người dân. "Đối với các nhóm đối tượng được đề xuất, tôi nghĩ cần đặc biệt quan tâm đến NLĐ nghèo làm việc tự do hoặc buôn bán nhỏ, NLĐ bị cắt hay bị tạm hoãn HĐLĐ từ 15 ngày trở lên bởi dịch bệnh vì họ là đối tượng có thu nhập thấp và hầu như không có tích lũy. Trong bối cảnh nhà nước còn nhiều khó khăn và tập trung nguồn lực tài chính để chống dịch bệnh, mức hỗ trợ cho NLĐ mất việc, giảm thu nhập 1,8 triệu đồng/tháng, các đối tượng khác 1 triệu đồng/tháng và thời gian trợ cấp trong 3 tháng 4, 5 và 6 là hợp lý.
TP HCM đề xuất hỗ trợ 50.000 đồng/ngày cho người bán vé số
Ngày 1-4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM đã có công văn khẩn gửi chủ tịch UBND TP về việc hỗ trợ người bán vé số gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Theo Sở LĐ-TB-XH TP, qua thống kê ban đầu của các quận, huyện, hiện trên địa bàn TP có 7.978 người bán vé số cư trú trên địa bàn (thường trú và tạm trú) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh làm giảm thu nhập, ngưng việc làm. Do đó, Sở LĐ-TB-XH đề xuất UBND TP hỗ trợ đối tượng trên 50.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ: 15 ngày, kể từ ngày 1-4. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hỗ trợ gần 6 tỉ đồng. Sở LĐ-TB-XH đề xuất chi từ Quỹ Vì người nghèo TP và quận, huyện.
Chị NGUYỄN THỊ BẠCH LIÊN, công nhân Công ty TNHH Nobland (KCN Tân Thới Hiệp; quận 12, TP HCM:
Động viên kịp thời
Tôi vừa hết HĐLĐ tháng 3-2020 và không được ký mới hợp đồng nên lâm vào cảnh thất nghiệp. Chồng tôi chạy xe ôm nên thu nhập bấp bênh, tôi lại mất việc nên cuộc sống trước mắt rất khó khăn. Việc Chính phủ kịp thời thông qua các gói chính sách hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc như tôi có ý nghĩa động viên rất lớn. Tôi rất mong chính sách này sớm được triển khai thực hiện để san sẻ phần nào gánh nặng cuộc sống cho NLĐ.
Chị NGUYỄN THỊ LIÊN, hướng dẫn viên du lịch tại TP HCM:
Giải quyết khó khăn trước mắt
Sau Tết nguyên đán, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách nước ngoài đến TP HCM giảm hẳn, nên công ty tôi thông báo tạm thời đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc. Đột ngột mất đi nguồn thu nhập trong khi vẫn phải trả rất nhiều khoản chi phí từ nhà trọ, điện, nước, sinh hoạt phí... nên cuộc sống của tôi và nhiều đồng nghiệp hết sức khó khăn. Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết Chính phủ có chính sách hỗ trợ NLĐ mất thu nhập, không có việc làm, dù không biết mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui. Bản thân tôi khi mất đi nguồn thu nhập còn có thể về nhà vì khoảng cách gần nhưng nhiều người quê tận miền Trung, miền Bắc thì phải cố gắng trụ lại, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn, do vậy sự tiếp sức từ các tổ chức chính trị, của Chính phủ lúc này là cần thiết để họ xoay xở được.
Bình luận (0)