Góp ý về vấn đề tăng tuổi hưu trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.
Việc tăng tuổi nghi hưu rất ảnh hưởng đến người lao động
Nhiều bạn đọc hoàn toàn đồng ý với lập luận này. Góp ý vấn đề này, bạn đọc Lê Liên cho rằng trên 50 tuổi không còn nhanh nhẹn, hay quên, chậm chân trong việc tiếp cận công nghệ 4.0. Trong khi đó sinh viên ra trường học xong không có việc làm, không ứng dụng những kiến thức kỹ thuật mới ứng dụng vào công việc và như vậy thì quá lãng phí. Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng hãy để các bạn trẻ có cơ hội tìm việc làm.
Bạn đọc Sang Nguyễn mạnh dạn chỉ ra thực tế hiện nay là một bộ phận cán bộ, công chức không thiết tha với công việc vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu vì kinh tế, sức khỏe, áp lực, rủi ro nghề nghiệp nên có tâm lý nghỉ hưu sớm, không ai thiết tha tăng tuổi nghỉ hưu. Một bạn đọc giấu tên đặt câu hỏi: "Xin hỏi CN trong ngành giày da, chế biến nông thủy sản, may mặc có thể làm đến bao nhiêu tuổi đối với doanh nghiệp (DN) trong nước; Bao nhiêu tuổi đối với DN có vốn nươc ngoài mà đòi tăng tuổi nghỉ hưu?".
Theo bạn đọc Phạm Đình Lộc, việc tăng tuổi nghi hưu rất ảnh hưởng đến người lao động (NLĐ) bởi vì tình trạng sức khỏe con người rất quan trọng. Đồng quan điểm, bạn đọc Trường Huy, phân tích: "Vấn đề ở đây là sức khỏe có cho phép làm việc hay không. Sức khỏe mọi người đều khác nhau...không ai giống ai". Một bạn đọc tên Hà, phân tích: "Công nhân (CN) vất vả thiệt đủ đường, đến khi về hưu vẫn chịu bất công vì hưu BHXH chỉ tính tuổi mà không tính đến số năm đóng BHXH của người lao động. Ví dụ: 2 CN cùng về hưu: người đóng BHXH 30 năm nhưng mât sức lao động thì bị trừ 2% lương/1 tuổi nghỉ hưu. Nhưng người đóng BHXH 25 năm về hưu đủ tuổi thi lại được hưởng đủ 75% lương hưu. Vậy xin hỏi cách nhà hoạch định chính sách như thế công bằng ở đâu?".
Nếu không tìm ra được giải pháp tốt thì cũng nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu chứ không nên tăng
Nhiều bạn đọc cho rằng mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Bạn đọc Phàn Moang, góp ý: "Tôi nghĩ nên lấy ý kiến của NLĐ trong tất cả các lĩnh vực rồi tổng hợp đánh giá và đưa ra kết luận sau. Vì thực tế tuổi thọ người Việt Nam tăng chứ sức khỏe không hề tăng. Nếu không tìm ra được giải pháp tốt thì cũng nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu".
Bạn đọc Bùi Anh Tuấn, bày tỏ: "Xin Quốc hội Hãy lắng nghe ý kiến của người trực tiếp tham gia lao động tôi tin chắc rằng đại đa số sẽ không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu .Người Việt Nam nữ đến 55 tuổi nam 60 tuổi nên được nghỉ hưu. Ai còn sức khỏe muốn tham gia công tác thì xin làm riêng; lãnh đạo nếu muốn làm sau tuổi nghỉ hưu thì nên cho xuống làm nhân viên để dành chỗ cho thế hệ trẻ năng động hơn sáng tạo hơn".
Bình luận (0)