Năm 2011, bà Trần Thị Tú Trinh được Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (Công ty IDP) tuyển dụng vào vị trí trưởng phòng tiếp thị và được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn từ năm 2013. Bà Trinh được giao phụ trách điều phối công việc liên quan đến dự án của Trung tâm Anh ngữ Giáo dục và Đào tạo IDP ACET (ACET).
Lập lờ đánh tráo vấn đề?
Năm 2016, lấy lý do tái cơ cấu, công ty ra quyết định giải thể bộ phận tiếp thị của các cơ sở đào tạo Anh ngữ và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo luật định để chấm dứt HĐLĐ với bà Trinh. Tuy nhiên theo bà Trinh, tiến trình của thủ tục đầy mâu thuẫn và mang tính áp đặt. Theo lập luận của Công ty IDP tại bản khai gửi tòa, công ty có 3 chi nhánh đào tạo tiếng Anh tại TP HCM và bà Trinh làm việc tại bộ phận tiếp thị Chi nhánh 187 Võ Thị Sáu. Việc tái cơ cấu bước đầu sẽ được áp dụng với "công ty mẹ" và Chi nhánh 187 Võ Thị Sáu.
Người lao động trình bày những khuất tất trong cách hành xử của công ty và tòa án
Tuy nhiên, theo hồ sơ chúng tôi có được, Công ty IDP chỉ đăng ký trụ sở chính tại TP HCM và có duy nhất phòng tiếp thị phụ trách các mảng kinh doanh. Nhân sự của phòng tiếp thị do công ty tuyển dụng. Các chi nhánh không có pháp nhân mà thực tế theo đăng ký chỉ là những điểm kinh doanh (cơ sở đào tạo) của công ty; thậm chí, HĐLĐ ban đầu còn ghi rõ "địa điểm làm việc" của người lao động bao gồm cả 2 địa chỉ 187 Võ Thị Sáu và 63 Ngô Thời Nhiệm.
Lập luận của công ty càng mâu thuẫn khi Quyết định số 02/QĐ/2016 của công ty chỉ ghi chung chung là "giải thể bộ phận tiếp thị Trung tâm Anh ngữ Giáo dục và Đào tạo IDP ACET Chi nhánh Hồ Chí Minh" nhưng không xác định "Chi nhánh Hồ Chí Minh" là chi nhánh nào? Trên các văn bản đăng ký, chứng nhận đầu tư của công ty đều không tìm thấy "Chi nhánh Hồ Chí Minh".
Bên cạnh đó, dù có làm đầy đủ các thủ tục chấm dứt HĐLĐ vì lý do tái cơ cấu nhưng từ đầu đến cuối, công ty lại không đề cập việc tái sử dụng hay đào tạo lại cũng như nguyện vọng của người lao động mà chỉ có duy nhất phương án cho nghỉ việc. Điều này là trái pháp luật.
Bản án bỏ qua tình tiết quan trọng
Không đồng tình với cách giải quyết của công ty, bà Trinh khởi kiện ra TAND quận 1, TP HCM. Trong tiến trình giải quyết vụ án, TAND quận 1 ra công văn đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM cung cấp thông tin, ý kiến. Sở LĐ-TB-XH có công văn khẳng định "việc công ty cho 1 người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ là không đúng so với quy định của pháp luật hiện hành". Nhưng tình tiết này lại không được đề cập trong bản án sơ thẩm số 88/2018/LĐ-ST ngày 31-1-2018 do thẩm phán Nguyễn Anh Đức ký.
Càng khó hiểu hơn khi trước đó, vào ngày 27-12-2016, công ty ra quyết định (không số) chấm dứt HĐLĐ số HCMC173.3 mà công ty ký với bà Trinh ngày 21-6-2011. Trong khi đó, HĐLĐ ngày 21-6-2011 mà công ty ký với bà Trinh là HĐLĐ thời hạn 1 năm, đã hết hiệu lực vào năm 2012 và quan hệ lao động giữa hai bên đã được xác lập bằng những bản hợp đồng khác. "Như vậy công ty đã ra quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với một bản hợp đồng đã hết hạn từ lâu. Đây là một điều hết sức vô lý. Đáng nói, cái sai này hiện diện trong tất cả văn bản khác của công ty, từ thông báo, quyết định, các bản khai trước tòa... Chưa hết, những sai sót này cũng được bê nguyên xi vào bản án sơ thẩm số 88/2018/LĐ-ST ngày 31-1-2018. Tôi tự hỏi TAND quận 1 có đọc qua hồ sơ hay không mà không phát hiện những sai sót phi lý này? Tòa án mà còn cẩu thả như thế thì người lao động còn biết tin tưởng vào ai?" - bà Trinh bức xúc.
Khi chúng tôi đến Công ty IDP đề nghị có phản hồi về khiếu nại của người lao động thì một đại diện công ty chỉ cho biết lãnh đạo đang bận và né tránh trả lời.
Bình luận (0)