Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ tháng 9-2022 đến 1-2023, có hơn 491.000 người bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương, 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) và hơn 48.600 người mất việc tại 1.300 doanh nghiệp (DN) do đơn hàng sụt giảm. Mất việc hoặc thiếu việc làm khiến người lao động (NLĐ) hụt hẫng trong khi sau họ là gia đình.
Hụt hẫng
Gắn bó 19 năm với Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), nên khi rơi vào cảnh mất việc cùng với 2.357 đồng nghiệp khác, chị Võ Thị Thơm chới với.
Đồng lương CN tại TP HCM không cao nhưng đã nuôi sống gia đình chị nhiều năm qua. Mất việc đồng nghĩa với mất đi khoản thu nhập cố định, gia đình chị Thơm rơi vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi rời quê lên TP HCM. "Lên thành phố làm CN, rồi lập gia đình, tuy khó khăn nhưng tôi vẫn hài lòng. Giờ rơi vào tình cảnh này tôi rất lo. Chồng tôi cũng không biết có bị cắt giảm hay không" - chị Thơm cho biết. Hơn một tháng qua, chị chạy khắp nơi để xin việc với hy vọng bám trụ lại thành phố nhưng vô vọng. Nếu về quê thì càng khó khăn hơn vì gia đình chị cũng chẳng dư dả gì.
Một đồng nghiệp của chị Thơm là anh Huỳnh Văn Mơ (quê Cà Mau) may mắn hơn khi vẫn giữ được việc làm, tuy nhiên số ngày làm ít hơn trước. Chứng kiến cảnh nhiều đồng nghiệp mất việc, anh không khỏi lo lắng cho tương lai. Gần 40 tuổi nhưng anh Mơ vẫn chưa dám lập gia đình vì công việc hiện tại chỉ nuôi được mình anh và tiết kiệm một ít gửi về quê. "Biết đâu một vài tháng nữa tôi cũng mất việc. Dù gì đi nữa thì tôi vẫn sẽ ở lại TP HCM tìm việc chứ về quê không biết làm gì để sống" - anh Mơ nói.
Từ khi mất việc, chị Võ Thị Thơm nhận gia công hộp giấy tại nhà để cải thiện thu nhập Ảnh: HUỲNH NHƯ
Theo thống kê của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, 83% lao động nghỉ việc lần này là nữ; độ tuổi nghỉ việc đa số trên 40 (54%); 30-40 là 39%; 21-30 chiếm 6%. Lớn tuổi khiến cơ hội việc làm bị thu hẹp. Gần 1.200 CN Công ty TNHH Tỷ Hùng trên địa bàn quận cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Tại một số DN ở tỉnh Bình Dương, tình trạng CN mất việc đôn đáo tìm việc làm khá phổ biến, nhất là từ sau Tết Nguyên đán 2023. Tại Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất găng tay xuất khẩu; VSIP I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều CN tranh nhau nộp hồ sơ xin việc dưới cái nắng gay gắt. Đại diện công ty cho biết chỉ tuyển khoảng 150 CN, ai đến trước thì sẽ có cơ hội được nhận vào làm việc và ngược lại.
Anh Nguyễn Hữu Yên (50 tuổi, quê Thanh Hóa) trước đây là CN Công ty TNHH may mặc Minh Giang. Trước Tết, do thiếu đơn hàng, làm ăn bết bát công ty đã bỏ mặc anh cùng hàng chục CN khác. Đến nay, mặc dù đã xin việc nhiều nơi nhưng anh vẫn chịu cảnh thất nghiệp. Anh Yên cho biết: "Đi tới đâu DN cũng than không có đơn hàng nên không tuyển lao động mới. Có công ty đăng tuyển nhưng chỉ ưu tiên lao động từ 18 - dưới 35 tuổi".
Số lao động giảm tự nhiên tăng cao
Từ giữa năm 2022 đến nay, do gặp khó khăn về đơn hàng, nhiều DN tại TP HCM giảm lao động theo hướng thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, lập phương án sử dụng lao động theo quy định, hay giảm tự nhiên (DN không tái ký HĐLĐ hoặc NLĐ tự nộp đơn xin nghỉ). Trong đó, NLĐ giảm tự nhiên gặp khó khăn hơn người bị cắt giảm vì không được bồi thường, hỗ trợ, không được hưởng trợ cấp mất việc, thôi việc…
Từ thực tế tại các DN cho thấy số lao động giảm tự nhiên cao hơn nhiều người bị cắt giảm mà các cơ quan quản lý lao động đã thống kê. Công ty TNHH P.Y (quận Bình Tân, TP HCM) thông tin với cơ quan chức năng là thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với hơn 2.300 NLĐ, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài con số đó có khoảng 3.000 NLĐ phải nghỉ việc vì hết hạn HĐLĐ và DN không tái ký.
Hay tại Công ty TNHH V.S (huyện Củ Chi, TP HCM), với trên 11.000 NLĐ từ đầu năm 2022 đến nay chỉ còn hơn 6.000 người, trong đó con số thể hiện trong phương án sử dụng lao động gửi cơ quan chức năng chỉ khoảng 1.400 lao động. Một DN khác cũng ở Củ Chi, cuối năm 2022 giảm trên 4.000 CN bằng hình thức khuyến khích NLĐ tự nộp đơn xin nghỉ việc sẽ được công ty hỗ trợ từ 2-3 tháng lương/người nên không báo cơ quan chức năng. Tương tự, Công ty TNHH L.R (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM) giảm tự nhiên hơn 1.000 lao động, những người còn lại chỉ làm việc 4 ngày/tuần, thu nhập giảm 50% so với trước.
Ông T.T.S, trưởng phòng nhân sự một DN may mặc tại quận Bình Tân, cho biết trước đây, 60% đơn hàng của công ty được giao cho các đơn vị gia công bên ngoài làm. Tuy nhiên, thời điểm này, DN chỉ có đơn hàng để bảo đảm việc làm cho gần 300 CN, nếu các đơn vị vệ tinh không có đơn hàng nào khác thì CN tại các DN ấy cũng phải nghỉ chờ việc hoặc mất việc làm.
Nửa năm mất việc 2 lần
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn CN mất việc đều cố gắng tìm việc làm mới dù gặp không ít khó khăn. Nhiều người may mắn tìm việc làm mới nhưng cũng không bền vững. Chị Nguyễn Thị Diễm, CN Công ty TNHH F.T (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức), cho hay trong 6 tháng chị bị mất việc đến 2 lần. Trước đây, chị làm việc cho một DN gỗ ở tỉnh Bình Dương. Sau đợt dịch COVID-19, không có đơn hàng, công ty giải thể, chị Diễm và hàng trăm CN mất việc mà không được hưởng khoản trợ cấp nào. Cách đây 3 tháng, chị được Công ty TNHH F.T tuyển dụng với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Chưa kịp mừng thì lại lọt vào danh sách giảm tự nhiên với khoảng 1.000 CN khác (hết hạn HĐLĐ) do công ty thiếu đơn hàng.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)