Phát biểu tại buổi tọa đàm chủ đề "Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức" do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức ngày 9-6, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay do tác động của dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế dẫn đến nguy cơ gia tăng số lượng lao động khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, hiện nay số lao động tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế.
Lao động phi chính thức gia tăng
Tính đến hết quý I/2023, cả nước có hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó số lao động có tham gia BHXH tự nguyện là khoảng 1,46 triệu người, chiếm tỉ lệ chỉ khoảng 3%. Tại TP HCM, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nơi có đông NLĐ làm việc thì tình trạng NLĐ tham gia BHXH tự nguyện cũng không khá hơn.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho hay trong 5 tháng đầu năm 2023, BHXH TP phát triển được khoảng 31.000 người tham gia BHXH tự nguyện, so với chỉ tiêu 61.000 người mà BHXH Việt Nam giao thì kết quả đạt được khá thấp. Trong khi đó, số lượng lao động gia nhập khu vực phi chính thức hiện nay ngày càng nhiều.
Ngoài lực lượng lao động khu vực nông thôn, lao động tự do, nay có thêm những lao động bị doanh nghiệp cắt giảm do thiếu đơn hàng, NLĐ nghỉ việc chờ hưởng BHXH một lần (không có nhu cầu tìm việc làm chính thức, chỉ làm thời vụ), đặc biệt có sự xuất hiện của lực lượng lao động phi chính thức mới từ sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số như tài xế xe công nghệ, giao hàng trực tuyến, bán hàng online…
Điều này đồng nghĩa với việc đang có số đông NLĐ lâm vào tình trạng "lọt lưới an sinh", phải chịu nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ từ hệ thống pháp luật về lao động, BHXH, trong khi họ là bộ phận có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ BHXH TP HCM và Bưu điện TP HCM tư vấn thủ tục tham gia BHXH tự nguyện cho người dân
Theo ông Hà, sở dĩ NLĐ chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện là vì họ chủ yếu tự tạo công ăn việc làm, hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, thu nhập không ổn định nên không có nguồn tài chính để tham gia bảo hiểm lâu dài. Bên cạnh đó, NLĐ nhất là lao động trẻ chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc tham gia BHXH; tỉ lệ đóng BHXH tự nguyện còn cao, thời gian đóng kéo dài (20 năm) nhưng chính sách hỗ trợ của nhà nước thấp nên chưa tạo động lực cho NLĐ tham gia.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Tân, TP HCM, cho biết tính đến năm 2022, số lao động tự do trên địa bàn quận là 261.785 người, chiếm tỉ lệ hơn 40% tổng số người trong độ tuổi lao động. Song đến hết tháng 5-2023, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 983 người, giảm 1.059 người so với cuối năm 2021.
Ngoài nguyên nhân từ dịch COVID-19, việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu là lý do khiến số người tham gia BHXH giảm. Cụ thể, từ 1-1-2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng từ 107.800 đồng lên 231.000 đồng/người/tháng với người thuộc hộ nghèo; từ 115.500 đồng lên 247.500 đồng/người/tháng với người thuộc hộ cận nghèo; từ 138.600 đồng lên 297.000 đồng/người/tháng với đối tượng khác.
Tăng tính hấp dẫn của chính sách
Nhìn nhận chính sách BHXH rất hữu ích cho NLĐ nhưng ở vai trò người sử dụng lao động, bà Lê Nguyệt Hằng, chủ cửa hàng cây xanh Coco Green (TP Thủ Đức, TP HCM), gặp khó khăn khi thuyết phục NLĐ tham gia. Cơ sở của bà sử dụng từ 5-10 lao động phổ thông, trả lương 25.000-30.000 đồng/giờ.
Đa phần NLĐ làm việc không ổn định nên không ký hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, họ không muốn nhận lương tháng, chỉ thích nhận lương từng ngày và không có nhu cầu tham gia BHXH. "NLĐ cho rằng khoản thu nhập chỉ vừa đủ chi tiêu, nếu trừ đóng BHXH sẽ khiến họ bị thâm hụt chi phí sinh hoạt nên nếu bắt buộc tham gia họ sẽ xin nghỉ việc" - bà Hằng cho biết.
Từng tham gia BHXH bắt buộc gần 20 năm, sau dịch COVID-19, chị Lâm Tiểu Oanh (quận 3, TP HCM) nghỉ việc. Sau khi nghỉ việc, chị Oanh làm lao động tự do, không tham gia BHXH. Từng tham gia BHXH, từng được hưởng quyền lợi khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp… nên chị Oanh hiểu sự ưu việt của chính sách.
Hiện tại chị cũng muốn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu, không phụ thuộc vào con cái. "Tuy nhiên, ngoài việc chưa rõ về cách thức tham gia, tôi cũng đang băn khoăn về việc được giải quyết chế độ ra sao khi thu nhập bấp bênh không có khả năng tham gia tiếp hay thân nhân được hưởng quyền lợi gì khi người đang tham gia BHXH tự nguyện qua đời?" - chị Oanh nói.
Từ những vấn đề NLĐ đề cập, ông Trần Dũng Hà nhìn nhận thời gian qua dù đã dùng nhiều giải pháp nhưng công tác truyền thông, tuyên truyền chưa đạt hiệu quả mong muốn, dẫn đến NLĐ chưa hiểu và tiếp cận hạn chế với chính sách BHXH tự nguyện. Thời gian tới ngoài nâng cao công tác tuyên truyền, BHXH TP HCM cũng đã có công văn đề nghị TP xem xét hỗ trợ thêm kinh phí tham gia BHXH tự nguyện cho người dân bên cạnh mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ hiện nay (hộ nghèo 30%, hộ cận nghèo 25%, các trường hợp khác 10%) nhằm tạo thêm động lực cho NLĐ tham gia.
Ông Phạm Anh Thắng cho rằng hiện có nhiều NLĐ đang làm việc trong khu vực chính thức nhưng không được giao kết HĐLĐ, tham gia BHXH. Do đó, để thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, cần hoàn thiện thể chế để NSDLĐ phải thực hiện việc giao kết HĐLĐ với NLĐ. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về pháp luật lao động, luật BHXH tại đơn vị, doanh nghiệp.
"Ngoài ra, cần đa dạng hình thức tham gia, tăng chính sách thụ hưởng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời tăng cường đào tạo tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ để chuyển NLĐ từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức nhằm bảo đảm an sinh lâu dài cho họ" - ông Thắng đề xuất.
Bình luận (0)