xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phát triển nguồn nhân lực đạt chuẩn

Bài và ảnh: GIANG NAM

Dù không ngừng nâng cao chất lượng nhưng so với các nước phát triển và trong khu vực, trình độ và năng suất lao động Việt Nam vẫn còn thấp

Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong thời đại mới. Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu, thống kê cho thấy năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chỉ số xếp hạng nhân lực của Việt Nam đang ở mức rất thấp trong khu vực.

Nghịch lý

Hiện cơ cấu nhân lực có trình độ cao, qua đào tạo ở nước ta đang vênh so với yêu cầu của thị trường lao động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực tham gia lao động trực tiếp.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết việc mất cân đối trong tuyển sinh và đào tạo đang gây khó khăn trong cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế. "Tại các nước phát triển, cơ cấu nhân lực chuẩn sẽ theo hình chóp, cứ 1 người học đại học (ĐH) sẽ có 2-3 người học cao đẳng (CĐ), 3-5 người học trung cấp. Ở Việt Nam, cơ cấu nhân lực đang ngược lại so với mô hình này, khi 1 người học ĐH trở lên thì có 0,35 người học CĐ, 0,65 người học trung cấp và 0,4 người học sơ cấp. Tính ra, 3 người học ĐH mới có 1 người học CĐ" - ông Độ so sánh.

Phát triển nguồn nhân lực đạt chuẩn - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề

Hệ quả của "cơ cấu ngược" này dẫn đến thực trạng một số lĩnh vực, ngành bị thừa nhân lực, nhưng người có trình độ cao để tham gia những ngành sản xuất trực tiếp lại bị thiếu trầm trọng. Trong khi đó, tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp hiện mới chỉ đạt khoảng 2,2 triệu lượt người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là kỹ năng nghề cao của doanh nghiệp (DN). Chính cơ cấu đào tạo như trên đã nảy sinh nghịch lý là nhiều người thất nghiệp, mất việc nhưng không ít DN lại tuyển không được lao động có tay nghề.

Ông Cao Văn Bình, quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết nhu cầu nhân lực có tay nghề đang gia tăng nhưng số lượng lao động có tay nghề cao hiện nay lại rất hạn chế. Do đó, các DN có dư địa phát triển, mở rộng kinh doanh gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. "Một trong những khó khăn chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức phù hợp cho các vị trí công việc cụ thể. Đặc biệt, với các DN hoạt động trong những ngành mới khó tìm nhân sự hiểu biết về công nghệ mới" - ông Bình nói.

Bên cạnh đó, các vị trí quản lý và chuyên gia có trình độ cao thường rất khó tuyển dụng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát triển và quản lý dự án, cũng như tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chất lượng.

Cần hợp tác chặt chẽ

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ quý III/2023 là 27,3%, tính chung 9 tháng đầu năm, lực lượng lao động này ước tính khoảng 14 triệu người. Như vậy, đến quý III, cả nước vẫn còn 38,1 triệu người lao động (NLĐ) chưa qua đào tạo. Qua đó, cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của NLĐ. Do vậy, việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo cụ thể là yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới.

Tại hội thảo giáo dục 2023 với chủ đề "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục ĐH", đại tá Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel, cho rằng khoảng cách giữa nội dung đào tạo so với thực tế nhu cầu DN vẫn còn khá xa. Tập đoàn Viettel có chương trình thực tập sinh tài năng, lần gần nhất nhận được 2.000 hồ sơ là những sinh viên (SV) xuất sắc đến từ nhiều trường. Nhưng sau quá trình sàng lọc, tập đoàn chỉ chọn được 100 ứng viên đủ điều kiện; tiếp tục sàng lọc bằng thực tế chỉ còn 2/3 đáp ứng được 75% công việc. 

Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, DN phải mất thời gian từ 4-6 tháng để đào tạo bổ sung. "Trước đây nhiều SV trung bình nhưng thực hành tốt, còn nay SV xuất sắc nhưng chúng tôi cũng vẫn phải đào tạo lại mới có thể làm việc được" - ông Phượng bày tỏ.

Nhiều chuyên gia và nhà tuyển dụng cũng nhìn nhận thực tế DN chưa hài lòng về chất lượng SV tốt nghiệp, tình trạng thiếu người nhưng khó tuyển hoặc phải đào tạo lại đã gây lãng phí về nguồn nhân lực, tài chính và thời gian. Để khắc phục, ông Phượng đề xuất các trường ĐH đổi mới chương trình dựa trên khảo sát nhu cầu của DN. Nhà trường có thể mời DN tham gia đào tạo, cấp một số chứng chỉ để SV bắt nhịp được hơi thở của thị trường lao động, biết mình cần thêm kỹ năng gì để làm được việc.

TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhận định nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của DN sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Vì vậy, các DN phải đào tạo lại nếu muốn có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. "Nhằm chủ động, các DN cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao" - bà Ngọc nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo